Nu dieu duong khong roi mien Nam du duoc luan phien tro ve hinh anh 1
 Điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

 

Đại dịch COVID-19 trong suốt ba năm vừa qua là thời điểm khó khăn đối với toàn xã hội, đặc biệt là ngành y tế bởi đây là quãng thời gian những người thầy thuốc vất vả hy sinh nhất.

Có nhiều tấm gương là các y bác sỹ không ngại khó, ngại khổ cống hiến hết mình vì người bệnh.

Chiến đấu giữa tâm dịch

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy hiện công tác tại Phòng Điều dưỡng (Bệnh viện K) là người đã xung phong chi viện miền Nam sau vài ngày đoàn tụ cùng gia đình khi bệnh viện được gỡ bỏ phong tỏa.

Gắn bó với bệnh viện K hơn 20 năm, chị Thùy luôn được đồng nghiệp đánh giá là người tận tâm, tận tình. Từ việc công tác 12 năm tại khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, sau đó chuyển công tác một số đơn vị như Khoa Ngoại bụng I, Khoa Hồi sức cấp cứu, chị đã quen với hình ảnh người bệnh ung thư diễn biến nặng, luôn cần chăm sóc đặc biệt. Nhiều đêm, chị cùng đồng nghiệp thức trắng để giành giật sự sống mong manh cho người bệnh…

Tháng 5/2021, là thời điểm khó khăn của Bệnh viện K khi cả 03 cơ sở của bệnh viện cùng phong tỏa để phục vụ công tác phòng chống dịch. Hơn một tháng là khoảng thời gian hơn 3.000 người bệnh cùng người nhà và cán bộ y tế đồng hành, sẻ chia với một tinh thần đoàn kết quyết tâm cao cùng vượt qua dịch bệnh.

Nu dieu duong khong roi mien Nam du duoc luan phien tro ve hinh anh 2
 Điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy tham gia hiến máu nhân đạo hàng năm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

 

30 ngày xung phong thực hiện nhiệm vụ vận chuyển nhu yếu phẩm lên các đơn vị là 30 ngày chị không vắng mặt dù mưa hay nắng. Ngoài thời gian đó, chị trực tiếp đến từng khoa lâm sàng để tham gia hướng dẫn, hỗ trợ công tác chăm sóc người bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn, đặc biệt là các khoa có ca bệnh yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19.

Sau hơn 40 ngày cùng bệnh viện phong tỏa, chị mới trở về đoàn tụ cùng gia đình. Vừa trở về nhà ít hôm cũng là thời điểm những ngày “nước sôi lửa bỏng,” căng mình chống dịch của các đồng nghiệp phương Nam. Cùng với các đồng nghiệp trên cả nước được bố trí chi viện miền Nam ruột thịt, chị xung phong nằm trong đoàn công tác số 1 của Bệnh viện K chi viện Thành phố Hồ Chí Minh.

Xin ở lại chi viện miền Nam

Sau hai tháng chi viện miền Nam, bệnh viện có đoàn công tác mới được cử đến nhận nhiệm vụ thay đoàn công tác số 1, chị nằm trong danh sách cán bộ trở về Hà Nội nhưng cánh tay ấy lại xung phong lần nữa, mong muốn được ở lại Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục công tác.

Điều dưỡng Thùy tâm sự: "Công tác ở đây hai tháng, tôi đã dần quen với công việc và đặc biệt là hiểu rõ hơn về công tác chăm sóc người bệnh cấp cứu nên hy vọng ở lại sẽ giúp được phần nào cho đoàn công tác mới nhận nhiệm vụ, còn nhiều điều bỡ ngỡ."

Rồi chị cứ lặng lẽ công hiến cùng các đồng nghiệp với mục tiêu giành giật sự sống cho người bệnh. Thùy chứng kiến nhiều ca mổ cấp cứu tưởng chừng như mọi thứ đã kết thúc thế nhưng may mắn lại mỉm cười với người bệnh. Khi ấy, bao mệt mỏi với chị và các đồng nghiệp lại tan biến.

Trực tiếp nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 thành phố Hồ Chí Minh, điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy tâm sự: "Ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh, chứng kiến nhiều người bệnh không thể qua khỏi tất cả có gì bác sỹ thật sự đau lòng, nghẹn đắng. Nhưng tất cả những nỗi niềm ấy chúng tôi đều phải gác lại thật nhanh, tất cả phải cùng tập trung cao độ vào mục tiêu lớn hơn đó là giành lại sự sống cho những người bệnh rất nặng đang ở bên cạnh.”

Nu dieu duong khong roi mien Nam du duoc luan phien tro ve hinh anh 3
 Chị và những người đồng nghiệp lặng lẽ công hiến trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

 

Nhớ lại kỷ niệm giữa tâm dịch miền Nam, nhiều người bệnh thiếu máu mà phải cấp cứu, chị đã tham gia hiến máu tình nguyện bằng tất cả tình cảm trách nhiệm của người điều dưỡng với tâm niệm: “Một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại.”  

Sau hơn 3 tháng vào chi viện miền Nam, khi gánh nặng với đồng nghiệp phương Nam vơi dần, Thùy mới yên tâm trở về Hà Nội. Nữ điều dưỡng ấy cũng như bao người mẹ, người vợ, người đồng nghiệp khác, họ cũng có niềm vui cho riêng mình cũng có những nỗi niềm khắc khoải riêng nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của chị là “trao đi.”

Sự hy sinh, cống hiến của nữ điều dưỡng Thùy đã khiến nhiều đồng nghiệp và người bệnh xúc động. Những sự hy sinh lặng lẽ, âm thầm của chị là bài học, là tấm gương sáng để các cán bộ, đặc biệt thế hệ trẻ của bệnh viện học tập nói theo và lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia ấy đến mọi người.

Theo Vietnamplus