Thạch Chính Lệ (55 tuổi) nhà virus học được đồng nghiệp gọi là "người dơi" vì luôn thực hiện các cuộc thám hiểm truy tìm virus ở dơi trong các hang động suốt 16 năm qua. Những cuộc thám hiểm là một phần trong nỗ lực tìm kiếm thủ phạm gây ra dịch SARS, dịch bệnh lớn đầu tiên của thế kỷ 21. Bà còn là người đứng đầu khoa bệnh truyền nhiễm của Viện Virus học Vũ Hán - nơi bị nghi ngờ làm rò rỉ virus gây bệnh.

Nhà virus học Thạch Chính Lệ. Ảnh: AFP.

 

Trong một bài nghiên cứu đăng trên trang khoa học Biorxiv.org, Thạch Chính Lệ chỉ đích danh loài dơi móng ngựa tại Trung Quốc là vật chủ tự nhiên của virus corona, liên quan đến SARS (SARSr-CoVs). Nghiên cứu này chưa được đánh giá bởi các nhà khoa học cùng lĩnh vực.

Bài báo cho biết, loài dơi thường có mức độ đa dạng di truyền cao, nhất là protein hình gai của chúng, cho thấy chủng virus liên tục tiến hóa theo thời gian để phát tán mầm bệnh. "Tất cả các nghiên cứu về SARSr-CoV đều cho thấy loại virus này có ái lực liên kết với thụ thể ACE2 trên cơ thể người cao hơn so với loài dơi, gấp khoảng 10 lần", bài báo chỉ ra.

ACE2 là thụ thể có vai trò quan trọng giúp virus liên kết và xâm nhập vào tế bào của người. Những nghiên cứu trước đó của Thạch Chính Lệ cũng cho thấy sự tương đồng cao giữa nCoV (virus gây ra Covid-19, tên khoa học SARS-CoV-2), và loại virus tìm thấy ở con dơi móng ngựa phía đông nam Trung Quốc.

Thạch Chính Lệ trở thành nhân vật trung tâm của những cáo buộc và tranh cãi xoay quanh nguồn gốc Covid-19. Những nghiên cứu của bà chủ yếu liên quan đến các loại virus từ loài dơi, trong đó bao gồm việc phát hiện vật chủ tự nhiên gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính SARS năm 2002-2003.

Phần lớn các nhà khoa học tin rằng nCoV đã "nhảy" từ động vật sang người, xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019, có thể là từ khu chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán. Tuy nhiên, mối quan tâm của thế giới đang hướng đến Viện Virus học Vũ Hán gần đó, với nghi ngờ rằng quy trình an toàn sinh học lỏng lẻo trong phòng thí nghiệm có thể đã khiến virus bằng cách nào đó thoát ra.

Tổng thống Trump hôm 30/4 tuyên bố đã thấy bằng chứng mang lại cho ông "mức độ tin cậy cao" về việc virus có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán, song từ chối nêu thông tin chi tiết. Phía WHO cho hay, Mỹ vẫn chưa đưa ra bằng chứng gì về điều này. Trong khi tình báo Mỹ nhận định loại virus này không phải do con người tạo ra và họ đang điều tra thêm thông tin để xác nhận nguồn gốc mầm bệnh.

Bà Thạch nhiều tháng trước đó lên tiếng phủ nhận virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. "Tôi lấy tính mạng của mình để đảm bảo rằng virus không liên quan gì đến phòng thí nghiệm của chúng tôi", bà viết trên Wechat.

Bà Thạch cũng bác bỏ tin đồn rằng mình cùng gia điình mang theo tài liệu mật về Covid-19 và đào tẩu khỏi Trung Quốc. "Dù mọi thứ khó khăn đến đâu, tôi cũng không trở thành kẻ đào tẩu như tin đồn", bà viết trên trang cá nhân.

Ngày 9/3, trong cuộc thảo luận trực tuyến về Covid-19, bà phát biểu: "Tôi từng dự đoán từ năm 2018 về khả năng lây nhiễm chéo giữa các loài virus chủng corona liên quan đến dơi. Nhưng tôi không ngờ điều đó xảy ra sớm như vậy ở thành phố nơi tôi sống và làm việc".

Theo ione