Ngộ độc chết người do nhầm con so với con sam
Cập nhật lúc 16:34, Thứ năm, 20/04/2023 (GMT+7)
Chất độc giết người trong con so biển là tetrodotoxin, một chất cực độc giống độc tố của cá nóc. Những vụ ngộ độc thức ăn do tetrodotoxin thường rất nặng.
Mới đây 8 người ở Quảng Ninh đã bị ngộ độc rất nặng sau khi ăn nhầm so biển. Về độc tố tự nhiên của so biển, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết vùng ven biển nước ta có hai con vật rất giống nhau là con sam và con so. Cả hai con này đều sống chủ yếu ở vùng ven biển, trong các vịnh, đầm nước mặn và các cửa sông, hình thù giống hệt nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Cũng vì vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra ngộ độc chết người do nhầm con so với con sam và ăn trứng của nó.
Trứng sam là một thức ăn ngon và bổ được bà con vùng biển ưa chuộng, còn trứng so rất độc, ăn phải sẽ bị ngộ độc nguy hiểm. Chất độc giết người trong loài so biển là tetrodotoxin, một chất cực độc giống độc tố của cá nóc.
Những vụ ngộ độc thức ăn do tetrodotoxin thường rất nặng. Độc tố này tác động lên thần kinh trung ương gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Điều cần chú ý là chất độc này không bị nhiệt phá hủy, nó chịu được nhiệt độ cao. Dù có đun sôi, phơi khô hay sấy khô, chất độc vẫn tồn tại. Do đó, thức ăn chế biến từ so biển được đun nấu chín, nướng chín hay phơi khô ăn đều nguy hiểm.
Sau khi ăn phải so biển, chất tetrodotoxin được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa trong khoảng 10 - 15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và chỉ mấy giờ sau, các triệu chứng ngộ độc xuất hiện. Liều tử vong đối với người là 1 - 2 miligram. Nguyên nhân tử vong là liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp. Như vậy, độc tố có trong con so biển và những loài cá nóc thường gây độc ở vùng biển nước ta thường cùng nguyên nhân này.
Để đề phòng ngộ độc, chúng ta tuyệt đối không được ăn so biển, kể cả trứng và thịt của chúng. Để an toàn khi sử dụng, phải biết phân biệt con so với con sam, và phổ biến rộng rãi cho mọi người cùng biết cách phân biệt, tránh để xảy ra nhầm lẫn chết người.
Theo Thanh niên