Mới đây, một nghiên cứu kéo dài 2 tuần đã yêu cầu những người trường thành, trẻ tuổi, có thói quen ngủ ít hơn 6 tiếng rưỡi mỗi ngày tăng thêm thời gian ngủ của mình, chạm mốc 8 tiếng rưỡi. Kết thúc 2 tuần thử nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trung bình lượng calo nạp vào hàng ngày của mỗi người tham gia đã giảm khoảng 270 calo, đặc biệt có đối tượng giảm được tới 500 calo.

Tiến sĩ Esra Tasali – Phó Giáo sư Y khoa – người lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Giấc ngủ tại Đại học Chicago cho biết với lượng giảm kể trên, một người có thể giảm tới hơn 11kg trong 3 năm, chỉ bằng việc ngủ đủ giấc. Bà cho biết thêm: “Một trong những điểm cộng của nghiên cứu là tính thực tế. Thử nghiệm được diễn ra với đối tượng con người, không phải đo lường trong phòng thí nghiệm và lượng calo cũng được xác định bằng cách xét nghiệm nước tiểu, không phải dựa vào trí nhớ và ước lượng món ăn của người tham gia”.

Tại sao ngủ nhiều hơn có thể giúp bạn giảm cân?

Thiếu ngủ có tác động đến 2 loại hormone chính kiểm soát cảm giác đói, no là ghrelin và leptin. Ghrelin có khả năng tăng cảm giác đói và tiết ra nhiều hơn khi cơ thể bị thiếu ngủ. Ngược lại, leptin là hormone có nhiệm vụ đưa ra tín hiệu cảm giác no cho cơ thể. Khi thiếu ngủ, lượng leptin trong cơ thể bị giảm và vì vậy cũng khiến cơ thể không thấy no.

Bên cạnh đó, việc không ngủ đủ giấc còn tác động tới hệ thần kinh tưởng thưởng – nơi mang lại cảm giác thỏa mãn, khiến cơ thể tăng cảm giác thèm carbohydrate hoặc đồ ăn vặt có lượng năng lượng cao.

Các chuyên gia về giấc ngủ khuyên rằng bất kỳ thiết bị nào phát ra ánh sáng xanh như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, TV… nên được tránh sử dụng trước khi đi ngủ khoảng từ 45 phút đến 1 tiếng. Ánh sáng xanh ngăn chặn việc giải phóng melatonin – hormone gây buồn ngủ, từ đó có thể gây khó ngủ ở mọi đối tượng. Một số mẹo để có giấc ngủ tốt khác bao gồm tránh thức ăn cay, tắm nước ấm, đọc sách, nghe nhạc nhẹ, yoga, thiền…

Tasali cho biết: “Một số người tham gia thử nghiệm lúc đầu lo lắng rằng công việc của họ sẽ trở nên kém hiệu quả hơn bởi ngủ quá nhiều. Tuy nhiên, vào thời gian cuối của cuộc thử nghiệm, họ cho biết rằng họ cảm thấy năng suất làm việc được tăng hơn nhiều vì họ luôn tràn đầy năng lượng và tỉnh táo hơn”.

Được biết, một trong những hạn chế của nghiên cứu là chưa có đối tượng nào mắc các chứng rối loạn giấc ngủ tham gia cuộc thử nghiệm. Vì vậy, trong tương lai, các nhà nghiên cứu cần mở rộng cuộc thử nghiệm đến cả nhóm đối tượng này để làm rõ về tác dụng, lợi ích của nó.

Theo vtv.vn