1. Vai trò của tập luyện với người bệnh hạ kali máu
Hạ kali máu là một rối loạn điện giải thường gặp nhưng có triệu chứng mơ hồ như mệt mỏi, đau cơ, yếu cơ. Việc điều trị tập trung vào nguyên nhân và bổ sung kali. Bên cạnh đó, thực hiện hoạt động thể chất thường xuyên giúp người bệnh hạ kali máu:
- Giảm các triệu chứng căng thẳng giúp bạn vui vẻ, minh mẫn hơn, tăng cường năng lượng cho cơ thể.
- Tăng cường lưu thông khí huyết, mạnh cơ xương, tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch cho cơ thể, giảm đau.
- Ổn định nhịp tim, nhịp thở, huyết áp.
- Tập luyện vừa sức giúp bệnh nhân ăn ngủ ngon hơn, giúp giảm táo bón, chống liệt ruột.
- Chống chuột rút, giảm tê tay chân.
2. Các bài tập tốt cho người bệnh hạ kali máu
2.1 Yoga
- Hít thở sâu với tư thế ngồi thiền: Giúp ổn định nhịp tim, huyết áp, tăng cường trao đổi khí, giúp thư giãn, đầu óc minh mẫn hơn.
Cách thực hiện:
- Ngồi thoải mái trên thảm tập yoga. Đưa bàn chân phải đặt trên đùi trái đồng thời bàn chân trái đặt dưới đùi phải. Giữ cho lưng và cột sống thẳng. Đặt hai tay lên đầu gối và lòng bàn tay hướng lên.
- Nhắm mắt lại, bắt đầu hít thở sâu. Trong lúc hít vào, bạn đếm chậm từ 1 - 2, sau đó thở ra nhằm đẩy hết khí ra ngoài trong khi đếm từ 1 - 4. Làm như vậy cho đến khi quen dần thì bắt đầu tập trung vào hơi thở.
- Thực hiện bài tập này từ 20 - 30 phút, duy trì tập luyện đều đặn.
- Tư thế con lạc đà: Động tác giúp lưu thông khí huyết, ổn định huyết áp.
Cách thực hiện:
- Bắt đầu ở tư thế quỳ trên hai đầu gối với khoảng cách rộng bằng vai.
- Hít vào, ngả người ra sau, nhẹ nhàng dùng hai tay nắm lấy hai gót chân.
- Giữ nguyên tư thế trong 30-60 giây. Sau đó lặp lại tư thế từ 3 đến 5 lần.
- Tư thế giảm gió: Giảm táo bón, tăng cường trao đổi chất ở hệ tiêu hóa, đường ruột.
Cách thực hiện:
- Bắt đầu ở tư thế nằm trên mặt thảm, lưng thẳng, chân duỗi thẳng và dần nâng cao chân đến ngang tầm mắt, chân vẫn thẳng.
- Từ từ đưa phần đầu gối đến gần và chạm ngực, dùng cả 2 tay để giữ đầu gối ở tư thế này khoảng 20 nhịp thở.
- Dần buông 2 tay, đưa chân về tư thế bắt đầu và lặp lại 10 – 15 lần.
- Tư thế cánh bướm: Giúp lưu thông khí huyết giảm tê tay chân, mạng cơ xương tay chân.
Cách thực hiện :
- Ngồi trên sàn hoặc thảm yoga. Khép 2 lòng bàn chân lại với nhau sao cho 2 gót hướng vào cơ thể.
- Hai tay giữ chặt 10 ngón chân và nhẹ nhàng mở đầu gối sang hai bên. Dao động đầu gối lên xuống như cánh bướm, giữ lưng thẳng và phần vai thả lỏng.
- Cố gắng mở rộng phần xương chậu và ép đầu gối càng sát sàn càng tốt.
- Lặp lại 5-7 lần.
- Bài tập nắm tay: Giảm tê bì chống co rút tay, giảm đau tay.
Cách thực hiện:
- Xòe bàn tay và duỗi các ngón tay ra càng căng càng tốt.
- Từ từ gập lại từng ngón tay thành nắm đấm, ngón tay cái nên gập vào sau cùng và ở phía bên ngoài những ngón tay còn lại. Thực hiện động tác này lặp lại khoảng 15 lần mỗi ngày.
2.2 Các hoạt động khác
Đạp xe đạp: Có thể thực hiện ngoài trời hoặc tại chỗ với xe đạp tập, thời gian 30-40 phút một ngày giúp lưu thông khí huyết, mạnh cơ, thư giãn tinh thần, ổn định nhịp tim, nhịp thở.
Đi bộ nhẹ nhàng: Đi bộ ở công viên, xung quanh nhà ở nơi thoáng mát, thư giãn đầu óc, lưu thông khí huyết, giảm táo bón, đỡ tê tay chân.
3. Những lưu ý dành cho người hạ kali máu khi tập luyện
Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập vào buổi sáng, lúc thời tiết không quá nóng không quá lạnh, tránh tập luyện khi cơ thể mệt mỏi, khi đói bụng, quá no, thời gian 20 phút đến 40 phút một ngày.
Trong giai đoạn bệnh cấp tính khi đang rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, yếu cơ, khó thở không được tập. Chỉ tập khi bệnh đã ổn định, kali máu được bù đủ. Khi tập luyện cần tham khảo ý kiến bác sỹ.
Cách tập không gây hại sức khỏe:
- Chọn bài tập phù hợp, cường độ tập tăng dần, nên phối hợp nhiều bài tập. Khởi động kỹ trước khi tập luyện.
- Tập trong môi trường thông thoáng, ăn mặc rộng rãi, uống đủ nước.
- Khi có triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đau bụng, tức ngực, hoa mắt thì dừng ngay.
- Tập luyện với chế độ ăn uống khoa học bổ xung rau củ, bổ xung cam chuối bổ xung khoáng chất kali cho cơ thể, tránh xa dầu mỡ, chất kích thích như cà phê, rượu.
Theo suckhoedoisong.vn