1. Người bệnh hẹp van hai lá có nên tập thể dục không?

Hẹp van hai lá là tình trạng bất thường của van tim hai lá khi không thể mở hoàn toàn, cản trở lưu lượng máu từ tâm nhĩ trái tới tâm thất trái. 

Điều này khiến cho một lượng máu ứ lại tâm nhĩ trái, tăng áp lực và khiến máu ứ tại phổi gây mệt, khó thở. Tuy nhiên, tất cả bệnh nhân hẹp van hai lá nên được khuyến khích tiếp tục tập luyện ở cường độ thấp nhất mặc dù có khó thở khi gắng sức.

Tập thể dục đều đặn mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sức khỏe tổng thể và tim mạch. Trái với suy nghĩ khá phổ biến "người mắc bệnh tim cần nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường", những bệnh nhân hẹp van hai lá có thói quen tập luyện thường xuyên thường cảm thấy tâm lý sảng khoái hơn và chất lượng cuộc sống gia tăng. 

Quá trình vận động đốt cháy calo, nhờ đó mà người bệnh có thể kiểm soát cân nặng khỏe mạnh. Không những thế, thể thao cũng giúp quản lý tình trạng huyết áp cao, đái tháo đường...

Thậm chí, đối với các trường hợp hẹp van tim mức độ nhẹ và chưa biểu hiện thành triệu chứng, việc vận động, thay đổi chế độ ăn uống lúc này có giá trị dự phòng, ngăn ngừa quá trình tiến triển của bệnh và nguy cơ hình thành các biến chứng.

2. Một số hình thức tập luyện phù hợp với người bệnh hẹp van hai lá

- Yoga: Tập yoga mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là đối với người bệnh hẹp van hai lá. Bằng cách kết hợp các bài tập thể chất nhẹ nhàng với hơi thở sâu, yoga giúp giảm nhịp tim, giảm căng thẳng và hạ huyết áp. Điều này làm cho yoga trở thành một hình thức tập luyện an toàn, lành mạnh với mọi lứa tuổi.

Người mới bắt đầu tập nên thực hiện từ những động tác dễ, sau đó, nếu muốn có thể thực hiện các tư thế khó hơn. Người bệnh hẹp van hai lá nên tránh các tư thế đặt đầu dưới tim, chẳng hạn như trồng cây chuối và các tư thế lộn ngược khác.

- Kéo giãn: Các bài tập kéo giãn giúp cải thiện sự linh hoạt của cơ thể, làm giảm huyết áp, điều chỉnh nhịp tim - có lợi đối với người bệnh hẹp van hai lá.

Bạn nên tập kéo căng từng nhóm cơ chính (chẳng hạn như chân, tay, lưng, lõi trung tâm) trong khoảng 30 giây, có thể kéo dài từ 2 đến 7 ngày mỗi tuần - đây là bài tập an toàn để thực hiện hàng ngày.

 
leftcenterrightdel
 Người bệnh hẹp van hai lá nên tiếp tục tập luyện ở cường độ thấp nhất mặc dù có khó thở khi gắng sức.

- Đi bộ: Đi bộ là hoạt động lý tưởng để người bệnh hẹp van hai lá xây dựng thói quen tập luyện đều đặn. Đi bộ làm tăng nhịp tim, nhưng không khiến bạn khó thở. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo nên tăng cường hoạt động cho đến khi bạn thở nhanh hơn nhưng vẫn có thể tiếp tục trò chuyện.

- Đạp xe: Bất kỳ hoạt động nhịp nhàng liên tục nào, như đạp xe, đều có lợi cho người mắc bệnh hẹp van hai lá. Nghiên cứu cho thấy rằng đạp xe giúp làm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, cải thiện mức cholesterol và giảm huyết áp rất hiệu quả.

- Bóng bàn, cầu lông: Nên chơi tùy sức, nhẹ nhàng để đảm bảo không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

3. Lưu ý khi tập thể dục đối với người bệnh hẹp van hai lá

Khi tập luyện, người bệnh hẹp van hai lá cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Khởi động trước khi tập: Khởi động luôn là bước quan trọng đối với tất cả mọi người tham gia thể dục thể thao. Với trường hợp mắc bệnh, khởi động thật kỹ sẽ giúp hệ tuần hoàn thích nghi từng bước với cường độ vận động.

- Lắng nghe cơ thể trong quá trình tập luyện: Người bệnh hẹp van hai lá nên tập các bài tập nhẹ nhàng, không đòi hỏi nhiều sức mạnh. Việc tập luyện quá gắng sức có thể gây phản tác dụng.

- Chú ý đến thời tiết: Tập luyện trong thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh đều không tốt cho sức khỏe. Nếu tập luyện ở ngoài trước, đừng quên kiểm tra thời tiết trước khi ra khỏi nhà.

- Tham khảo ý kiến của bác sĩ: Để có được kế hoạch tập luyện phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị về hình thức và tần suất tập luyện.

Theo suckhoedoisong.vn