Theo BS CKII Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, suy thận mạn là một bệnh lý không lây, diễn tiến từ từ và hầu như không hồi phục. Tuy chế độ dinh dưỡng không giúp người bệnh phục hồi được chức năng thận nhưng nếu người bệnh không có chế độ ăn phù hợp và không kiêng khem đúng mực thì các thực phẩm chuyển hóa sẽ tăng gánh nặng cho thận.

leftcenterrightdel
 Chế độ dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với người bệnh suy thận

Khi thận làm việc quá tải sẽ dẫn đến hậu quả làm cho thận bị giảm chức năng và dễ diễn tiến đến các giai đoạn bệnh nặng hơn, thậm chí có thể phải chạy thận nhân tạo.

Vì vậy, chế độ dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với người bệnh suy thận (nhất là người bệnh đang trong các giai đoạn chưa phải chạy thận nhân tạo) nhằm giúp người bệnh duy trì được chức năng thận trong thời gian lâu dài. Làm chậm diễn tiến của quá trình suy thận, giảm nguy cơ phải chạy thận nhân tạo.

Ăn đúng lượng và loại đạm

BS CKII Nguyễn Thị Diễm Hương cho biết chế độ dinh dưỡng thông thường sẽ phải tùy theo tình trạng của từng người bệnh mà các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng chỉ định cụ thể. Tuy nhiên, đối với người bệnh suy thận, chế độ dinh dưỡng đa phần sẽ theo nguyên tắc giảm muối, giảm kali, giảm phốt pho, giảm đạm và uống nước đúng cách.

Đạm hay còn gọi là protein, sản phẩm chuyển hóa của protein là urê. Khi ăn quá nhiều đạm trong ngày thì lượng urê sẽ tăng cao trong máu thận không lọc hết được, gây nên hội chứng urê huyết cao dẫn đến tình trạng suy thận nặng hơn. Ăn đúng lượng và loại đạm sẽ giúp bảo vệ thận, làm chậm tiến triển bệnh thận.

Đối với người bình thường, lượng đạm cho phép mỗi ngày là 1 gram/1 kg cân nặng.

Lượng đạm cho phép mỗi ngày đối với người bệnh suy thận thận giai đoạn 1 và 2 là 0,8 gram đạm/kg cân nặng. Ví dụ: Người nặng 50 kg, lượng đạm cho phép hằng ngày: 0,8 x 50 = 40 gram đạm/ngày. Ở giai đoạn 3, lượng đạm sẽ vào khoảng 0,6 gram/kg cân nặng/ngày. Ở giai đoạn 4 - 5, lượng đạm có thể từ 0,4 - 0,6 gram/kg cân nặng/ngày.

leftcenterrightdel
 Người bị suy thận thường hay mệt mỏi

Đối với người đang lọc máu định kỳ, lượng đạm cần thiết mỗi ngày là 1,2 gram/kg cân nặng để bồi hoàn lượng đạm bị mất đi trong khi lọc máu.

Lượng đạm trung bình chứa trong 100 gram thịt, cá là 16 - 20 gram. Như vậy, người 50 kg có thể dùng khoảng 200 gram thịt, cá mỗi ngày.

Người bệnh suy thận có thể lựa chọn nguồn đạm từ các loại thịt trắng như thịt gà, cá,… thay cho các loại thịt đỏ, hải sản, phủ tạng động vật,… Trong rau củ quả cũng có hàm lượng protein nhất định. Ví dụ như trong 100 gram gạo tẻ có khoảng 8 gram protein,… 

Nên cân đối lượng đạm trong ngày, nếu đã sử dụng đạm từ nguồn động vật thì nên hạn chế lượng đạm từ thực vật. Có thể thay cơm bằng bún tươi hoặc miến, các loại tinh bột này không chứa lượng đạm cao.

Theo Thanh niên