Các cơn đau do bệnh gout thường xảy ra vào ban đêm và kéo dài 3 - 10 ngày - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Văn Đức - Phó trưởng khoa Nội Tim mạch - Lão - Thận - Khớp, Bệnh viện 199 (Bộ Công an), cho biết: Gout là một loại viêm khớp gây sưng, đau và viêm đột ngột ở khớp. Gần một nửa các trường hợp bệnh gout xảy ra ở ngón chân cái. Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng ở các khớp khác như ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân.

Các triệu chứng bệnh gout xảy ra khi có quá nhiều a xít uric trong máu. Khi nồng độ a xít uric cao, các tinh thể a xít uric sẽ lắng đọng trong các khớp, gây sưng, viêm và đau dữ dội. Các cơn gout thường xảy ra vào ban đêm và kéo dài 3 - 10 ngày.

Hầu hết những người mắc bệnh gout do cơ thể không thể loại bỏ a xít uric dư thừa hiệu quả. Một số người khác bị dư a xít uric là do di truyền hoặc chế độ ăn uống.

Bệnh gout kiêng ăn gì?

Theo bác sĩ Đức, purine chính là “thủ phạm” gây ra các cơn gout đột ngột. Vì vậy, để kiểm soát bệnh, bạn nên tránh ăn những phẩm giàu purine, thực phẩm có hàm lượng fructose cao. Một số thực phẩm mà người bệnh gout nên tránh dùng gồm:

- Nội tạng động vật như gan, thận, não, tim…

- Thịt: Thịt gà lôi, thịt bê và thịt nai

- Cá: Cá trích, cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá cơm, cá tuyết…

- Hải sản: Sò điệp, cua, tôm

- Đồ uống có đường: Nước ép trái cây và nước ngọt

- Thực phẩm nhiều fructose: mật ong, siro chứa fructose

- Nấm men: Men dinh dưỡng, men bia và các chất bổ sung men khác.

Thực phẩm cần tránh khi mắc bệnh gout - SHUTTERSTOCK

Ngoài ra, bạn nên tránh các loại thức ăn bột tinh chế cho người ăn kiêng như bánh mì trắng, bánh ngọt và bánh quy. Mặc dù những thực phẩm này không nhiều purine hoặc fructose nhưng chúng có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp và có thể làm tăng nồng độ a xít uric.

Bệnh gout nên ăn những gì?

“Người bệnh gout nên sử dụng thực phẩm có hàm lượng purine thấp và thực phẩm hỗ trợ đào thải a xít uric”, bác sĩ Đức khuyên.

Theo đó những loại thực phẩm được khuyến cáo gồm trái cây, thịt trắng như thịt cá sông, thịt ức gà, dầu oliu, dầu thực vật, trứng, rau củ, ngũ cốc nguyên cám, các chế phẩm từ sữa và đậu nành…

“Trứng chứa rất ít purine, cung cấp nhiều canxi cho xương nên người bệnh có thể sử dụng thay thế trong các bữa ăn vẫn đảm bảo được hàm lượng chất dưỡng cần, vì đã hạn chế dùng thịt”, bác sĩ Đức nói.

Ngoài ra người bệnh có thể uống thêm trà xanh, sử dụng một lượng cà phê đen vừa đủ trong ngày, uống đủ nước, nạp đủ cho cơ thể 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày, đặc biệt là nước khoáng kiềm, không gas.

Theo thanhnien