Bác sĩ dinh dưỡng Lê Thảo Nguyên (Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, tăng axit uric là tình trạng chỉ số axit uric trong máu cao bất thường. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể phân hủy quá mức purin (hợp chất phân hủy và chuyển hóa thành axit uric) hoặc không đào thải được axit uric ra khỏi cơ thể, gây nên tình trạng dư thừa axit uric.

Tăng axit uric xảy ra do chế độ dinh dưỡng dung nạp nhiều thực phẩm chứa purin như nội tạng động vật, thịt đỏ, hải sản, thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, các bệnh lý di truyền làm thiếu hụt enzym chuyển hóa purin. Ngoài ra, có thể do mắc các bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe như bệnh thận, tăng huyết áp, tiểu đường, sử dụng các thuốc lợi tiểu, corticoid, aspirin, thuốc lao…

Bác sĩ Nguyên cho biết, theo tạp chí y học Medical News Today, nồng độ axit uric bình thường trong cơ thể người dao động từ 1,5 - 7 mg/dl. Nồng độ axit uric của một người được xem là cao khi người đó có nồng độ axit uric cao hơn 7 mg/dl (đối với nam), hoặc hơn 6 mg/dl (đối với nữ). Tăng axit uric gây nên các vấn đề sức khỏe như tổn thương cơ, xương, khớp (phổ biến là bệnh gout), suy thận và sỏi thận; tăng huyết áp…
leftcenterrightdel
 Trứng là thực phẩm chứa lượng đạm cao và lượng purin thấp

Tăng axit uric có ăn trứng được không?

Trứng là thực phẩm chứa lượng đạm cao và lượng purin thấp, trung bình trong 100 g trứng chứa ít hơn 50 mg/purin. Trong khi đó, lượng purin an toàn nạp vào cơ thể, đối với 1 người trưởng thành là dưới 400 mg/ngày.

Trọng lượng trung bình của các loại trứng thường có trong bữa ăn của người Việt:

- Trứng cút: 5 - 7 g/quả (cả vỏ)

- Trứng gà ta: 40 g/quả (cả vỏ)

- Trứng gà công nghiệp: 50 - 60 g/quả (cả vỏ)

- Trứng vịt: 70 g/quả (cả vỏ)

- Trứng ngỗng: 300 g/quả (cả vỏ)

"Trứng là thực phẩm an toàn để thay thế các loại thực phẩm chứa nhiều purin như thịt đỏ, hải sản đối với người có tình trạng tăng axit uric. Tuy nhiên, trứng cũng là loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao. Trong 100 g trứng chứa 470 mg cholesterol. Trong khi lượng cholesterol khuyến nghị đối với người trưởng thành là dưới 300 mg/ngày. Vì vậy, những người có vấn đề về mỡ máu (rối loạn lipid máu), tim mạch, huyết áp cần đặc biệt lưu ý với lượng trứng sử dụng mỗi ngày", bác sĩ Nguyên cho hay.

Người bị tăng axit uric có được ăn trứng không?- Ảnh 2.

Trứng cút thường có trọng lượng trung bình 5 - 7 g/quả (cả vỏ)

ẢNH: LÊ CẦM

Người bệnh gout nên và không nên ăn thực phẩm nào?

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Văn Đức, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch - Lão - Thận - Khớp, Bệnh viện 199, bệnh gout là một loại viêm khớp gây sưng, đau và viêm đột ngột ở khớp. Các triệu chứng bệnh gout xảy ra khi có quá nhiều axit uric trong máu. Do đó, bạn nên tránh ăn những phẩm giàu purin, thực phẩm có hàm lượng fructose cao.

Dưới đây là một số thực phẩm bạn nên tránh dùng: nội tạng động vật như gan, thận, não, tim...; thịt (thịt gà lôi, thịt bê và thịt nai...); cá (cá trích, cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá cơm, cá tuyết…), hải sản (sò điệp, cua, tôm); đồ uống có đường (nước ép trái cây và nước ngọt); thực phẩm nhiều fructose (mật ong, siro chứa fructose); nấm men (men dinh dưỡng, men bia và các chất bổ sung men khác).

Ngoài ra, bạn nên tránh các loại thức ăn bột tinh chế cho người ăn kiêng như bánh mì trắng, bánh ngọt và bánh quy. Mặc dù những thực phẩm này không nhiều purin hoặc fructose nhưng chúng có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp và có thể làm tăng nồng độ axit uric.

Người bệnh gout nên lựa chọn sử dụng các thực phẩm có hàm lượng purin thấp và thực phẩm hỗ trợ đào thải axit uric. Các thực phẩm nên ăn như trái cây, thịt trắng như thịt cá sông, thịt gà ức, dầu oliu, dầu thực vật, trứng, rau củ, ngũ cốc nguyên cám, các chế phẩm từ sữa và đậu nành, trà xanh, uống đủ nước, sử dụng một lượng vừa đủ cà phê đen...

"Trứng chứa rất ít purin, cung cấp nhiều canxi cho xương nên người bệnh có thể sử dụng thay thế trong các bữa ăn vẫn đảm bảo được hàm lượng chất dưỡng cần, vì đã hạn chế dùng thịt", bác sĩ Đức cho hay.

Theo Thanh niên