Bác sĩ kiểm tra bệnh nhân bị đột quỵ sau khi đã được phẫu thuật cấp cứu - ẢNH: NGUYÊN MI

Bác sĩ cảnh báo các dấu hiệu nhận biết người bị đột quỵ và cần phải xử lý cấp cứu ngay để hạn chế hậu quả.

Theo tiến sĩ - bác sĩ (TS.BS) Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: Đột quỵ hiện nay được coi là một bệnh có hậu quả rất nặng nề. Nó không chỉ làm người bệnh có thể tử vong mà những người còn sống cũng có thể bị liệt, tàn phế.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ mới và tỷ lệ tử vong chiếm từ 18-20%. Ngoài ra, khoảng 1/3 bệnh nhân bị đột quỵ xong sẽ không thể trở về với cuộc sống như trước đây vì hoặc là liệt, nằm một chỗ hoặc là phải có người hỗ trợ, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và công việc.

Hiện tại, nhóm tuổi dễ bị đột quỵ là những người lớn tuổi (trên 60 tuổi là bị nhiều nhất). Tuy nhiên, nhóm bệnh nhân đột quỵ cũng đang “trẻ hóa”, nhiều trường hợp đột quỵ ở độ tuổi 30-40 tuổi, thậm chí là 18-20 tuổi vẫn bị đột quỵ.

Những biểu hiện đột quỵ

Ba triệu chứng thường gặp nhất là: nói ngọng và thay đổi lời nói, cười với nét mặt bị méo, bị xệch và tay chân bại xụi.

“Thường đột quỵ xảy ra rất đột ngột, những triệu chứng đó tự nhiên xuất hiện khi người bệnh trước đó có thể hoàn toàn bình thường, vẫn làm việc, vẫn nói chuyện ăn ngủ bình thường”, bác sĩ Thắng cho biết.

Cách sơ cấp cứu

Bác sĩ Thắng nhấn mạnh: “Việc cứu người đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào thời gian. Vì vậy, khi thấy một người bị đột quỵ thì việc quan trọng nhất là làm mọi cách để đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, tốt nhất là tới được những bệnh viện đang điều trị đột quỵ tốt”.

Còn tại hiện trường, chỉ quan trọng những biện pháp sơ cứu gọi là cứu mạng. Ví dụ như: người bệnh đang ăn bị ọc, ói hay có đàm có dãi làm thở không được thì cần phải làm sạch để cho đường thở thông thoáng; ngoài ra, chủ yếu là cố gắng giữ cho người bệnh khỏi bị té ngã; sau đó phải đặt bệnh nhân nằm xuống trên một mặt phẳng càng thoáng mát càng tốt.

“Phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay tức thì. Tốt nhất là gọi xe cấp cứu, đó là điều kiện lý tưởng. Tuy nhiên, có một số vùng miền, khu vực xe khó tới thì mình có thể dùng những phương tiện nào bệnh nhân có thể nằm như xe bốn bánh…”, bác sĩ Thắng lưu ý.

Những sai lầm cần tránh

Theo bác sĩ Thắng cảnh báo cần tránh những sai lầm khi cấp cứu người bị đột quỵ như:

Tuyệt đối không độn thêm gì vào miệng, không nhét ngón tay hay vắt chanh vào miệng người bị đột quỵ vì sẽ làm ảnh hưởng đến đường thở, làm hại cho bệnh nhân.

Cần tránh việc kéo dài thời gian cấp cứu vì như vậy sẽ khiến não bị tổn thương nhiều hơn, không những không giúp được mà còn làm hại bệnh nhân. Cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu nhanh nhất có thể.

Theo thanhnien