Vì vậy cần biết đặc điểm của loại virus này và đối tượng dễ bị lây nhiễm để có biện pháp chủ động phòng ngừa.
Đặc điểm của virus Covid-19 gây bệnh
Coronavirus gây cho hàng ngàn người bị nhiễm bệnh với nhiều trường hợp tử vong được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc có tên gọi chính thức là Covid-19 (2019-nCoV). Virus này có thể lây truyền từ người sang người và đang có những lo ngại về tình trạng lây lan dịch bệnh rộng hơn tại Trung Quốc cũng như ra các nước khác qua con đường du lịch, giao lưu, quan hệ quốc tế.
Ảnh minh hoạ
Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã công bố những thông tin về các triệu chứng bệnh lý do virus này gây nên, đây là vấn đề cần được quan tâm để phòng ngừa với nguy cơ lan rộng của nó, sau khi đã xác nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh tại quốc gia này từ 1 người đàn ông khoảng 30 tuổi ở tại tiểu bang Washington đã đến thăm Trung Quốc trước đó. Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang tích cực nghiên cứu, xem xét và công bố 1 nội dung đầy đủ về loại virus gây bệnh này sau khi xác nhận mầm bệnh có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành. CDC đã đưa ra hướng dẫn về các triệu chứng cơ bản gây bệnh của virus để giúp cho việc phát hiện cũng như những chăm sóc sức khỏe cần thiết.
CDC cho rằng một người có thể gặp rủi ro mắc bệnh khi họ có các dấu hiệu có liên quan đến biểu hiện sốt và các triệu chứng của bệnh đường hô hấp dưới như ho hoặc khó thở sau khi tiếp xúc gần gũi với người bệnh trong thời gian khoảng 2 tuần trước đó và người bệnh này được xác định là bị nhiễm virus Covid-19 như trường hợp người đàn ông ở tại Washington đã nêu trên.
Trung tâm này cũng xác định thuật ngữ “tiếp xúc gần” là ở trong khoảng cách chừng 6 feet (khoảng 18cm) hoặc ở trong phòng hay khu vực chăm sóc người bệnh bị nhiễm coronavirus một thời gian dài mà không có áo quần bảo hộ thích hợp hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết truyền nhiễm của người nhiễm virus không có quần áo bảo hộ.
Ngoài việc tiếp xúc gần, còn có sự quan hệ chặt chẽ có thể bao gồm các hoạt động chăm sóc, sống cùng, thăm hỏi hoặc chia sẻ ở trong khu vực hoặc phòng chờ khám và chăm sóc sức khỏe với người bị nhiễm virus gây bệnh. Các bác sĩ ở CDC khuyến cáo rằng nếu ai đã đi du lịch đến thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong thời gian gần đây hoặc tiếp xúc gần với người đi từ những nơi có dịch về và sau đó cảm thấy xuất hiện bất cứ triệu chứng nào bất thường nên đi khám và chăm sóc y tế ngay lập tức; cần gọi điện thoại trước để thông báo với bác sĩ của mình về chuyến du lịch và các triệu chứng bất thường mắc phải, đồng thời nên tránh tiếp xúc với người khác để ngăn ngừa nguy cơ lây lan bệnh.
Nhóm nguy cơ mắc bệnh cao
Các nhà khoa học cho rằng những loại coronavirus như Covid-2019 gây bệnh viêm phổi cấp tính ở Vũ Hán mới phát hiện trong thời gian vừa qua đặc biệt nguy hiểm đối với những người có hệ miễn dịch yếu, người lớn tuổi và trẻ em. Hiện nay chưa có vắcxin để bảo vệ cho tất cả mọi người khỏi bị nguy cơ nhiễm virus corona gây viêm phổi cấp tính nên việc phòng bệnh bằng các biện pháp khác là rất cần thiết.
Cần lưu ý rằng các loại thú cưng cũng có thể có nguy cơ bị nhiễm coronavirus gây bệnh và dẫn đến tử vong, đồng thời cũng có khả năng lây nhiễm sang người. Nguồn gốc của sự bùng phát tình trạng nhiễm vi rút corona gây bệnh viêm phổi cấp tính ở Vũ Hán được xác định từ một khu chợ bán hải sản và động vật sống hoang dã như chó, mèo và cầy hương...; vì vậy chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa thị trường buôn bán các loại động vật hoang dã này vào ngày 01/01/2020 vừa qua khi dịch bệnh bùng phát.
Tự bảo vệ để phòng bệnh
Các chuyên gia y tế và bác sĩ của CDC khuyến cáo mọi người dân cần thực hiện những phương pháp tự bảo vệ để khỏi bị nhiễm virus bao gồm:
- Cố gắng tránh tiếp xúc với những người có biểu hiện các triệu chứng tương tự như bị viêm phổi hoặc cảm lạnh thông thường, bị ho hoặc sổ mũi...
- Không nên chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng khi bàn tay không được rửa sạch. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, chà xát tay ít nhất là trong vòng 20 giây.
- Nên sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn diệt khuẩn khi có điều kiện.
- Tránh tiếp xúc với các loại động vật và các chợ hoặc thị trường mua bán các loại động vật.
Tập trung giám sát các yếu tố nguy cơ
Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế các quốc gia có nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm phổi cấp tính từ Vũ Hán do virus corona đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để chủ động đối phó với dịch bệnh có khả năng lan rộng. Bệnh khởi phát từ tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; cho đến ngày 11/2/2020 trên thế giới ghi nhận có 43.104 người mắc bệnh với 1.018 trường hợp bị tử vong.
Theo thông báo của WHO, hiện tại dịch bệnh đã lây lan đến một số nước trên thế giới bao gồm: Thái Lan, Nhật Bản, Singapore; Hồng Kông, Đài Loan, Macao - Trung Quốc, Malaysia, Úc, Pháp, Mỹ, Việt Nam, Hàn Quốc, Đức, các Tiểu vương quốc A rập thống nhất, Canada, Campuchia, Nepal, Sri Lanka, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bỉ, Nga, Ý, Ấn Độ, Anh. Nếu không có biện pháp chủ động ngăn chặn dịch bệnh có thể có khả năng lây lan rộng thêm nữa.
Tại nước ta đã ghi nhận có 15 trường hợp bệnh nhân xét nghiệm cho kết quả dương tính đối với virus Covid-19, trong đó số trường hợp bệnh đang điều trị: 09; số trường hợp khỏi bệnh: 06; số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ: 787; số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly: 97; số người tiếp xúc gần đang được theo dõi sức khỏe: 602. Tổng số mẫu đã xét nghiệm: 803 (trong đó: số mẫu dương tính: 15, số mẫu âm tính: 789).
Hiện nay nước ta đã tập trung tổ chức lực lượng hệ thống kiểm soát, giám sát các yếu tố nguy cơ; phát hiện các trường hợp nghi ngờ để chẩn đoán bệnh và thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị kịp thời. Ngoài ra, triển khai nhiều biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe để phòng ngừa, chủ động khống chế bệnh lây lan trong cộng đồng, giảm thiểu những thiệt hại từ dịch bệnh gây ra.
Theo
Sức khoẻ đời sống