Tại khu cách ly Khoa cấp cứu, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, người phụ nữ 55 tuổi ở Vĩnh Phúc - một trong những bệnh nhân dương tính nCoV, đã thức giấc. Bà vệ sinh cá nhân xong xuôi, đang đi lại, tập thể dục trong phòng.

Mở cánh cửa, chị Hà nheo mắt cười, cất giọng chào ngày mới. "Hôm nay dự là sẽ có nắng ấm hơn hôm qua bác ạ", chị nói. "Tình hình sức khỏe người nhà bác ở Vĩnh Phúc thế nào rồi? ".

Nhìn thấy chị Hà, bệnh nhân ngồi xuống giường. "Nhà tôi ở quê vẫn đang cách ly cô ạ, nhưng sức khỏe vẫn ổn cả", bà trả lời.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà, 36 tuổi, là người trực tiếp chăm sóc 4 bệnh nhân corona điều trị tại đây, giúp họ từ bữa ăn, giấc ngủ, thể trạng đến sức khỏe tinh thần. Chị là điều dưỡng trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một trong 20 điều dưỡng tuyến trong của bệnh viện chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus corona.

Chị Hà tiến lại gần bệnh nhân, đặt suất ăn sáng bên cạnh. "Bác thấy trong người thế nào, có còn mệt hay đau ở đâu không?", chị hỏi thăm. "Đồ ăn của bệnh viện bác có cảm thấy ngon miệng không ạ?"

Bệnh nhân 55 tuổi này bị lây bệnh từ hàng xóm. Bà cắt sốt được 3 hôm, đang trong thời gian điều trị. Trò chuyện một lúc, nhận thấy tình trạng sức khỏe đã ổn định, chị Hà lấy trong khay các dụng cụ để theo dõi nhiệt độ mạch, đo huyết áp cho bệnh nhân, sau đó phát thuốc cho bà uống. Bà ngồi im, chăm chú nghe hướng dẫn.

"Hôm nay nắng ấm, bác cứ mở cửa phòng như vậy cho thoáng. Mong Vĩnh Phúc quê mình cũng có nắng ấm lên đuổi hết virus bác nhỉ", chị Hà động viên. Lúc nào vào chị cũng dặn dò mọi người mở cửa phòng cho có nắng có gió tràn vào. 

Xong xuôi, chị đứng dậy, chào bệnh nhân rồi tiếp tục sang thăm bệnh nhân corona ở phòng cách ly khác. Chị không quên nhắc bà ăn hết suất ăn sáng của mình.

Trở về phòng trực, qua camera, chị Hà có thể nắm được mọi hoạt động của bệnh nhân trong khu cách ly, nhưng vẫn đảm bảo được sự riêng tư. Chị ngồi theo dõi không rời. Đến khoảng 9h sáng, chị lấy điện thoại gọi hỏi han sức khỏe và trò chuyện để bệnh nhân bớt buồn chán. Nhân viên y tế như chị Hà phải thường xuyên động viên, tạo tinh thần thoải mái nhất, đáp ứng yêu cầu người bệnh. Trưa, trong trang phục bảo hộ, chị lại đem cơm vào, kiểm tra mạch, đo huyết áp cho bệnh nhân.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà là điều dưỡng tuyến trong, người tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân dương tính nCoV. Ảnh: Thúy Quỳnh

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà là điều dưỡng tuyến trong, người tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân dương tính nCoV. Ảnh:Thúy Quỳnh

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà công tác ở Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương được 14 năm. "Tôi chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCoV đến nay là 3 tuần rồi chưa được về nhà", chị chia sẻ.

Bệnh viện có đầy đủ giường chiếu, chăn, và tắm giặt đầy đủ cho nhân viên y tế như chị Hà sinh hoạt. Chị thích nghi nhanh dù không được thoải mái như ở nhà. "Hai con tôi gửi qua cho ông bà chăm sóc để tập trung vào công việc cho tốt, chứ để các cháu ở nhà một mình tôi cũng không an tâm", chị nói.

Yên lặng một lúc, chị nói: "Thú thực tôi rất nhớ các con! Ngày nào tôi cũng gọi điện về nhà rất nhiều lần. Các con cũng thường xuyên gọi điện hỏi mẹ bao giờ về... nhiều lúc thấy thương các con lắm".

Thế nhưng chị nói rằng lúc này điều đáng quan tâm hơn cả là sức khỏe thể chất và tinh thần của bệnh nhân. "Mình xa gia đình nhưng vẫn còn đang khỏe mạnh, có công việc để làm, có đồng nghiệp để giao tiếp. Còn những bệnh nhân, họ vừa có bệnh, lại không có người thân bên cạnh, chắc buồn lắm".

Các bệnh nhân nhiễm virus corona may mắn vào viện trong tình trạng mạch, huyết áp, sức khỏe ổn định. Một số người lúc nhập viện thể trạng bị sốt nhưng cũng chỉ 1-2 ngày là cắt sốt. Hàng ngày gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với người bệnh hạn chế nhất có thể.

"Bệnh nhân chỉ có tâm nguyện duy nhất làm sao để nhanh có kết quả âm tính nCoV, được ra viện. Họ có vẻ rất sốt ruột", diều dưỡng Hà cho biết. Những lúc như vậy, chị không còn cách nào khác là bên cạnh động viên, khuyên họ tuân thủ hướng dẫn điều trị. 

Bệnh nhân dương tính nCoV cách ly dài ngày nhất chị Hà chăm sóc là chàng trai 29 tuổi, ở viện 21 ngày. 

"Chàng trai 29 tuổi là thành viên nhóm 8 người ở Vũ Hán về nước. Lần nào trò chuyện, anh cũng đều bày tỏ sự áy náy vì đã mang mầm bệnh, làm cộng đồng hoang mang. May mắn có chiếc điện thoại khiến anh bớt cô đơn và bớt nghĩ ngợi hơn", chị Hà kể.

Còn nữ bệnh nhân 55 tuổi đã có một chồng, ba người con và hai cháu nội, tất cả đều đang cách ly mỗi người một nơi ở Vĩnh Phúc. Ngày nào bà cũng có mấy cuộc điện thoại từ Vĩnh Phúc gọi đến, hỏi han tình hình. 

Cứ chăm sóc bệnh nhân như vậy, đến ngày nhìn thấy họ khỏi bệnh, điều dưỡng Hà cùng các đồng nghiệp vui mừng khôn xiết vì đã chăm sóc thành công cho bệnh nhân. 

Nói về quá trình chuẩn bị phòng chống dịch, điều dưỡng Hà cho biết, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cùng bác sĩ Nguyễn Trung Cấp là người kế nhiệm, đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch SARS, cúm, sốt xuất huyết... Bản thân chị trước khi bước vào làm việc tại môi trường truyền nhiễm đã được rèn luyện từ trường đại học nên không hề lo sợ. Khi nghe tin Vũ Hán có dịch, bệnh viện chuẩn bị tất cả trang thiết bị đầy đủ để phòng chống dịch, những người điều dưỡng tuyến trong như chị Hà hoàn toàn không lo lắng.

"Tôi may mắn ở chỗ, chồng con và gia đình nhà chồng rất hiểu công việc của mình nên không ai kỳ thị. Tôi cũng không cảm thấy áp lực khi tiếp xúc với bệnh nhân dương tính nCoV", chị chia sẻ.

Cứ mỗi bệnh nhân ra viện, chị lại tự tay sắp xếp quần áo cho họ. "Tự nhiên trong lòng mình như cảm thấy vừa mất đi một thứ gì đó thân quen hàng ngày", chị nói. "Mong bệnh nhân và người thân sẽ sớm được đoàn tụ. Mong Vĩnh Phúc sẽ sớm hết dịch".

Theo vnexpress