Người đột quỵ cười nói thất thường là bị gì?
Cập nhật lúc 23:51, Thứ tư, 12/10/2022 (GMT+7)
Người bị đột quỵ phải chịu những tổn thương tâm lý, chia làm bốn nhóm: rối loạn lo âu; rối loạn cảm xúc giả hành; trầm cảm; thay đổi cảm xúc khác...
Mẹ tôi 81 tuổi, bị đột quỵ lần thứ nhất cách đây 5 năm. Khi ấy, mẹ tôi bị yếu nửa người bên phải. Nhờ gia đình kịp thời đưa đến bệnh viện, kiên trì châm cứu, tập vật lý trị liệu nên mẹ tôi đã đi lại được. Tuy nhiên, đầu năm nay mẹ tôi lại bị tái phát đột quỵ. Lần này, tình trạng bà nặng hơn rất nhiều, liệt nửa người. Điều lạ là từ khi xuất viện về nhà, bà cứ khóc, cười không hợp hoàn cảnh. Tôi có cần đưa bà đi khám không? - Phạm Đức Hải (Q.8, TP.HCM)
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Ngọc Quyên - Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: Người bị đột quỵ sẽ trải qua những tổn thương về tâm lý. Những thay đổi của người đột quỵ chia làm bốn nhóm: rối loạn lo âu/hoảng loạn (25% bệnh nhân đột quỵ và thiếu máu não mắc phải); rối loạn cảm xúc giả hành (hay gặp ở người tái phát đột quỵ); trầm cảm, có ý định tự sát; bị các thay đổi cảm xúc khác (dễ bực bội, tự ti, thiếu kiên nhẫn, trầm lặng hơn).
Theo như miêu tả thì mẹ bạn đang thuộc nhóm rối loạn cảm xúc giả hành. Đặc trưng của tình trạng này là bột phát cảm xúc không phù hợp với hoàn cảnh. Chẳng hạn, người bệnh có thể cười trước sự việc buồn hoặc ngược lại, có thể khóc trước điều gì đó vui nhộn.
Nếu thấy bệnh nhân đột quỵ có những biểu hiện tâm lý bất thường, gia đình cần quan tâm chia sẻ, đưa người bệnh đi khám để được kết hợp thuốc với các liệu pháp tâm lý trị liệu cần thiết. Nếu không được cải thiện kịp thời và đúng cách, những tổn thương tâm lý này có thể cản trở tiến trình phục hồi, thậm chí làm bệnh nặng hơn và tăng nguy cơ đột quỵ tái phát, nguy hiểm tính mạng.
Theo phụ nữ TPHCM