Bà Molly - sống ở London (Anh) - năm nay đã 88 tuổi và có sức khỏe tốt. Bà đã sống thọ hơn cả chồng, anh chị em ruột, bạn bè và cả đứa con trai duy nhất của mình.

“Tôi không còn bất kỳ mối quan hệ có ý nghĩa nào nữa. Họ chết hết rồi. Và bạn biết không, tôi cũng muốn rời khỏi thế giới này. Tôi không còn gì ở đây. Tôi sẵn sàng ra đi nhưng thực tế thì điều này vẫn chưa đến” - bà nói.

Sam Carr - chuyên gia về giáo dục tâm lý học tại Đại học Bath (Anh) - cho biết, ông đã phỏng vấn nhiều người lớn tuổi và nhận thấy họ dường như mệt mỏi vì “được” sống.

leftcenterrightdel
 Nhiều người cao niên không muốn sống thêm nữa vì lo ngại vấn đề sức khỏe, tài chính và không muốn làm phiền người khác - Ảnh: ISTOCK

“Tôi là thành viên của mạng lưới nghiên cứu về cuộc sống của những người cao niên ở châu Âu. Nhóm chúng tôi bao gồm các bác sĩ lão khoa, bác sĩ tâm thần, nhà khoa học xã hội, nhà tâm lý học… và chúng tôi đã khám phá những điểm độc đáo về nó: người già sống thọ chưa chắc thấy vui”.

Mới đây, Tổ chức Chăm sóc giảm nhẹ Hospice Nhật Bản cho biết, nhiều người Nhật không muốn sống quá lâu vì lo ngại vấn đề sức khỏe, tài chính và không muốn làm phiền người khác.

Một nghiên cứu trên hơn 1.000 người Nhật từ 20-70 tuổi cho thấy, khoảng 80% người được hỏi nói họ không muốn sống đến 100 tuổi. Cụ thể, 83,5% nữ giới có suy nghĩ không muốn sống lâu trăm tuổi, tỉ lệ này ở nam giới thấp hơn, khoảng 72,4%.

Khi được hỏi lý do, 59% người làm khảo sát cho biết họ không muốn làm phiền gia đình và người khác, 48,2% lo ngại về tình trạng sức khỏe yếu dần nên không muốn sống quá lâu. Ngoài ra, 36,7% nói tình hình tài chính là một trở ngại lớn. Đại diện của Tổ chức Chăm sóc giảm nhẹ Hospice Nhật Bản bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy số người muốn sống lâu trăm tuổi ít hơn họ tưởng tượng. Tổ chức này cho rằng khi cuộc sống trăm tuổi trở thành hiện thực, có thể mọi người sẽ bắt đầu đặt câu hỏi liệu họ có thực sự hài lòng với cuộc sống như vậy hay không.

Giáo sư Els van Wijngaarden ở Hà Lan cho biết, ông đã khảo sát và lắng nghe nhiều nhóm người lớn tuổi, không có bệnh nặng nhưng họ lại khao khát được kết thúc cuộc đời. Theo ông, các vấn đề mà người lớn tuổi đối diện là sự cô đơn, nỗi buồn với việc đấu tranh để thể hiện bản thân, sự mệt mỏi hiện hữu của tuổi già và nỗi sợ hãi vì cảm giác hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. “Đây không chỉ là nỗi đau thể xác không thể chịu đựng được khi cơ thể già cỗi. Sự mệt mỏi cuộc sống cũng phát sinh ở những người coi như mình đã sống một cuộc sống viên mãn và giờ họ muốn kết thúc” - ông nói.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Malmö, Thụy Điển, đã mô tả cảm giác cô đơn hiện hữu sâu sắc ở tuổi già, một phần do mất dần các mối quan hệ thân thiết. Nếu sống quá lâu, họ không chỉ mất đi bạn đời, bạn bè và sự nghiệp mà còn đánh mất bản sắc cá nhân, năng lực về thể chất. Giáo sư chăm sóc sức khỏe Helena Larsson và các đồng nghiệp ở Thụy Điển đã viết một bài báo ví người già như “ngọn đèn tắt dần”. Họ nói người lớn tuổi dần dần bỏ mặc cuộc sống. “Loại đau khổ này có cùng đặc điểm là đau đớn, bất lực (về thể chất) và chán nản (về tinh thần). Hầu hết những người lớn tuổi chỉ có một cảm giác sâu sắc rằng cuộc hành trình của họ đã kết thúc, nhưng tại sao nó vẫn đang kéo dài một cách đau đớn và vô định như thế” - Helena Larsson nói.

Giáo sư lão khoa Malcolm Johnson (Mỹ) cho biết: “Sống đến già vẫn được cho là đại lợi. Nhưng vì không còn làm được gì mà lại có quá nhiều thời gian để suy ngẫm khiến người già cảm thấy như đang chết dần, chết mòn và đó chính là khoảng thời gian đau đớn nhất”. 

Theo phụ nữ TPHCM