leftcenterrightdel
 Khảo sát cho thấy nữ giới có xu hướng ngủ nhiều hơn nam giới. Ảnh:Shutterstock.

Theo Khảo sát sử dụng thời gian của người Mỹ, mỗi người dân ở quốc gia này ngủ nhiều hơn 10 phút mỗi ngay trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2022. Các chuyên gia về giấc ngủ nhận xét sự gia tăng này có ý nghĩa rất lớn, ngay cả ở cấp độ quốc gia.

Theo đó, những người thuộc độ tuổi từ 25 đến 34, những người không có con và nam giới ở mọi lứa tuổi là những đối tượng có giấc ngủ dài nhất.

Dù vậy, cũng theo khảo sát, có đến 1/7 dân số Mỹ đang gặp các vấn đề về giấc ngủ.

Ai ngủ nhiều hơn?

Dữ liệu về giấc ngủ của người dân được thu thập trong khuôn khổ khảo sát dân số hàng năm của Cục Thống kê Lao động và Cục Điều tra Dân số Mỹ. Những người khảo sát được hỏi một câu khá đơn giản: Bạn đã làm gì trong 24 giờ qua?

Dựa vào câu trả lời, các nhà nghiên cứu sẽ ghi lại thời gian ngủ và chợp mắt (ngủ trưa, ngủ gật hoặc ngủ quên) của người Mỹ. Kết quả khảo sát cho thấy thói quen ngủ của người Mỹ có nhiều sự thay đổi sau 20 năm. 

Xét về độ tuổi, khảo sát cho thấy thanh thiếu niên (từ 15 đến 24 tuổi) có xu hướng ngủ nhiều hơn người lớn tuổi. Ngược lại, đối tượng có giấc ngủ ngắn nhất là những người có độ tuổi từ 35 đến 54 (độ tuổi phải nuôi dạy con cái). Mặt khác, nữ giới lại có xu hướng ngủ nhiều hơn nam giới.

Số lượng thành viên trong gia đình cũng là một trong những nguyên nhân chính làm kéo dài hoặc rút ngắn giấc ngủ của người Mỹ. Khảo sát giấc ngủ 2022 cho thấy những người không có con ngủ nhiều hơn 25 phút so với những người có con dưới 6 tuổi. Cụ thể, nữ giới không có con ngủ nhiều hơn nữ giới có con 13,2 phút trong khi nam giới không có con ngủ nhiều hơn nam giới có con khoảng 30 phút.

leftcenterrightdel
 Những người không có con ngủ nhiều hơn 25 phút so với những người có con dưới 6 tuổi. Ảnh:Shutterstock

Theo các chuyên gia, sự chênh lệch về giấc ngủ giữa nam giới và nữ giới có con dưới 6 tuổi đã phản ánh rõ sự thay đổi về vai trò gia đình, nhiệm vụ chăm sóc con cái ở các gia đình Mỹ.

Mô hình làm việc tại nhà giúp kéo dài giấc ngủ

Theo The Washington Post, thời gian ngủ của người Mỹ tăng lên có thể là do mô hình làm việc tại nhà/làm việc từ xa trở nên phổ biến. Tại Mỹ, có 1/3 người lao động đang làm việc tại nhà.

Người làm việc tại nhà dậy sẽ ngủ nhiều hơn 35 phút so với người làm việc tại công ty trong hai năm 2021-2022, theo Sabrina Wulf Pabilonia, nhà nghiên cứu tại Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Theo Pabilonia, sự khác biệt về độ dài của giấc ngủ giữa hai mô hình làm việc tại nhà và làm việc tại công ty thể hiện rõ ở đối tượng nữ nhân viên văn phòng vào năm 2019. Cụ thể, nữ nhân viên làm việc tại nhà ngủ nhiều hơn 43 phút so với làm việc tại công ty. Trong khi đó, nam giới làm việc tại nhà chỉ ngủ nhiều hơn 19 phút.

leftcenterrightdel
 Người làm việc tại nhà dậy sẽ ngủ nhiều hơn 35 phút so với người làm việc tại công ty trong hai năm 2021-2022. Ảnh:Givor. 

Hai năm sau, sự chênh lệch này đã được rút ngắn. Nữ giới làm việc tại nhà giờ chỉ ngủ nhiều hơn 37 phút so với làm việc tại công ty trong khi nam giới được ngủ nhiều hơn đến 34 phút.

“Công việc và sự di chuyển là hai kẻ thủ lớn nhất của giấc ngủ”, Mathias Basner, nhà nghiên cứu về giấc ngủ tại đại học y dược Perelman, nói. “Trước đây, người Mỹ hay xem nhẹ giấc ngủ và cắt ngắn thời gian ngủ để làm việc hoặc giải trí”.

“Những người làm việc thường hy sinh thời gian ngủ để di chuyển giữa nhà và nơi làm việc. Tuy nhiên, nhờ mô hình làm việc tại nhà, họ chỉ cần cân nhắc giữa thời gian ngủ và làm việc. Do vậy mà thời gian ngủ của người Mỹ tăng cao”, Pabilonia nói.

Chất lượng giấc ngủ cũng quan trọng

Hầu hết người Mỹ đang ngủ nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc họ có chất lượng giấc ngủ cao hơn.

Để một giấc ngủ có lợi, nó phải đủ dài, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Do đó, người trưởng thành cần dành ít nhất 7 giờ mỗi đêm để đi ngủ.

“Việc đi ngủ giống như chu kỳ của một chiếc máy giặt. Nếu bạn tắt giữa chừng, đồ sẽ không sạch. Do đó, quan trọng là bạn phải ngủ liên tục để các chu kỳ giấc ngủ diễn ra đầy đủ”, GS Basner nói.

leftcenterrightdel
Ít nhất 50 triệu người (hơn 1/7 dân số Mỹ) phải vật lộn với các bệnh về rối loạn giấc ngủ. Ảnh:Sky News.  

Viện Y tế Quốc gia của Mỹ ước tính có ít nhất 50 triệu người (hơn 1/7 dân số) phải vật lộn với các bệnh về rối loạn giấc ngủ, bao gồm hội chứng ngưng thở khi ngủ. Ngủ quá ít có thể dẫn đến các bệnh như tim mạch, tiểu đường và mất trí nhớ.

Dữ liệu về việc sử dụng thời gian cũng chỉ ra rằng người Mỹ, dù đã ngủ nhiều hơn, vẫn đang vật lộn với chứng mất ngủ hoặc khó ngủ. Trung bình, mỗi người Mỹ phải dành ra 70 phút mỗi đêm để chìm vào giấc ngủ.

Basner cho biết một trong những nguyên nhân chính làm người Mỹ mất ngủ là các thiết bị hỗ trợ giấc ngủ. Bởi lẽ, chúng sẽ làm mọi người tập trung quá mức về giấc ngủ, lo lắng, suy nghĩ nhiều rồi mất ngủ.

“Mọi người nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của giấc ngủ”, ông nói. “Nhưng một số thiết bị hỗ trợ ngủ thường đưa ra cảnh báo: ‘Này, bạn đang ngủ không đủ giấc’. Khi bị cảnh báo quá nhiều lần, mọi người sẽ dễ bị lo lắng, trằn trọc và mất ngủ”.

Theo lifestyle.znews