Sau khi xét nghiệm dương tính nCoV, Elizabeth Simins có đầy đủ các triệu chứng điển hình. Trong một tuần, người phụ nữ 34 tuổi cảm thấy chóng mặt, nhạt miệng và khó thở, tim đập nhanh khi làm việc nặng. Các triệu chứng này chỉ là tạm thời, biến mất sau vài ngày.

Tuy nhiên, khi thể chất đã dần ổn định, Simins vẫn chưa thể lấy lại khứu giác. Cô không ngửi thấy mùi gì ngay cả khi đã đốt một ngọn nến thơm. Trong vòng 5 ngày, mọi thứ đều có mùi giống nhau. Ngay cả khi đã khỏi bệnh, khứu giác của cô cũng không còn nhạy bén như trước.

Simins không phải trường hợp duy nhất bị mất khứu giác trong đợt lây nhiễm mới. Khi biến chủng đầu tiên của Omicron phát triển mạnh, ít bệnh nhân bị mất mùi vị. Tuy nhiên, giai đoạn BA.5 chiếm ưu thế, triệu chứng này đã quay trở lại.

Các bác sĩ lưu ý các triệu chứng đặc trưng trong đợt bùng phát chỉ được ước đoán dựa trên quan sát tại bệnh viện. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe cũng xác nhận nhiều bệnh nhân bị mất khứu giác hơn.

"Số ca (mất mùi vị) tăng vọt, nhiều hơn so với đầu năm nay nhưng vẫn ít hơn đáng kể so với đợt lây lan biến chủng Delta", Valentina Parma, chuyên gia tâm lý học Trung tâm Monell Chemical Senses ở Philadelphia, cho biết.

Đến nay, triệu chứng mất khứu giác ít xuất hiện ở các biến chủng phụ mới hơn với biến chủng trước đó. Nghiên cứu công bố vào tháng 5 phát hiện Alpha, biến chủng đáng quan tâm đầu tiên, có khả năng làm mất mùi vị thấp hơn một nửa so với phiên bản nCoV gốc xuất hiện tại Vũ Hán. Trong làn sóng Delta, tỷ lệ người bị mất khứu giác giảm xuống còn 44%. Ở làn sóng Omicron vào mùa đông năm ngoái, con số giảm còn 17%.

Tiến sĩ Lauren Roland, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Washington ở St. Louis, cho biết còn quá sớm để kết luận liệu BA.5 có gây ra nhiều ca mất khứu giác hơn Omicron ban đầu hay không. Bà nhận định các bệnh nhân thường không đến khám bệnh trong vòng vài tháng kể từ khi có biểu hiện ban đầu. Vì vậy, bác sĩ không nắm được nhiều thông tin.

Một người mắc chứng mất khứu giác hậu Covid-19 tại hội thảo về giác quan do Đại học Công giáo Sacred Heart, Italy tổ chức, ngày 2/3. Ảnh: NY Times

Một người mắc chứng mất khứu giác hậu Covid-19 tại hội thảo về giác quan do Đại học Công giáo Sacred Heart, Italy tổ chức. Ảnh: NY Times

Tiến sĩ Lora Bankova, chuyên gia dị ứng và miễn dịch học tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston, cũng ghi nhận nhiều người bị mất khứu giác. Các dữ liệu còn chưa đầy đủ, song có khoảng 25% người bị suy giảm khứu giác. Tiến sĩ Parma nhận định đây là một con số "không hề nhỏ".

Theo các chuyên gia, nguyên nhân Covid-19 gây mất khứu giác là do virus phá hủy các tế bào hỗ trợ thần kinh khứu giác, khiến việc gửi thông tin về mũi lên não bộ trở nên khó khăn hơn.

"Các biến chủng khác nhau sẽ ảnh hưởng đến tế bào đó theo cách khác nhau. Lượng tế bào bị phá hủy và tình trạng viêm nhiễm lâu dài cũng sẽ khác nhau", tiến sĩ Roland giải thích.

Triệu chứng cũng phụ thuộc vào thể chất, tình trạng tiêm chủng hoặc mắc Covid-19 trước đó của người bệnh.

"Một số người đã tiêm vaccine, một số tiêm cả mũi tăng cường, cũng có người đã nhiễm nCoV nhiều lần", bà Roland nói thêm.

Bản thân virus cũng đột biến nhanh hơn so với các nghiên cứu của giới khoa học, có nghĩa dữ liệu cụ thể về tác động của BA.5 vẫn chưa rõ ràng.

Một số chuyên gia cho biết BA.5 dễ gây đổ mồ hôi đêm. Điều này là do hoạt động của hệ thống miễn dịch chống lại mầm bệnh. Theo giáo sư Luke O'Neill từ Đại học Trinity, các tế bào miễn dịch ở người, đặc biệt là tế bào T chiến đấu với virus có thể tạo ra triệu chứng khác thường, đó là đổ mồ hôi đêm.

Các triệu chứng khác của BA.5 đều quen thuộc, đã xuất hiện trong những đợt dịch trước đây, bao gồm ho, mệt mỏi, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi, thở gấp hoặc khó thở, sốt, ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Theo VnExpress