Nghiên cứu do TS Nilay S.Shah (Trường Y Feinberg ở Chicago) và các đồng nghiệp thực hiện. Họ nghiên cứu tình trạng béo phì ở những nhóm người trưởng thành gốc Á từ năm 2013 - 2020, dựa trên thông tin từ 2.882.158 người trưởng thành trong các khảo sát thuộc Hệ thống Giám sát yếu tố nguy cơ hành vi Mỹ. Trong số đó có những người thuộc 6 nhóm người gốc Á đông đúc nhất ở Mỹ, bao gồm 13.916 người Ấn Độ, 11.686 người Trung Quốc, 11.815 người Philippines, 12.473 người Nhật Bản, 3.634 người Hàn Quốc và 2.618 người Việt đang sống tại Mỹ.

Người Việt ít béo phì nhất trong số người gốc Á ở Mỹ - ảnh 1

Tỷ lệ béo phì có sự khác biệt đáng kể ở các nhóm người Mỹ gốc Á

PHÁT TIẾN

Kết quả cho thấy tỷ lệ béo phì khác nhau ở các nhóm người Philippines (16,8%), Nhật (15,3%), Ấn Độ (11,2%), Hàn Quốc (8,5%), Trung Quốc (6,5%) và Việt Nam (6,3%). Tính chung tỷ lệ béo phì ở người gốc Á tại Mỹ là 11,7%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người béo phì có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 kg/m2 trở lên. Tuy nhiên, vào năm 2004, WHO đề nghị nên áp dụng ngưỡng 27,5 kg/m2 ở châu Á. Nếu áp dụng ngưỡng thấp, tỷ lệ béo phì ở người Mỹ gốc Á tăng lên mức 22,4%, trong đó nhóm người gốc Philippines cao nhất (28,7%) và gốc Nhật xếp thứ 2 (26,7%).

Theo các tác giả, nghiên cứu cho thấy rằng ở những người Mỹ gốc Á béo phì, nguy cơ bị các bệnh mãn tính còn cao hơn nếu áp dụng ngưỡng béo phì riêng do WHO đề xuất. Bên cạnh đó, có sự khác biệt lớn về tỷ lệ béo phì ở các nhóm. TS Shah cho rằng ngoài những số liệu trên, cần có những biện pháp đủ mạnh để giúp người béo phì, ít nhất là khuyến cáo các bác sĩ nên cân nhắc những nguy cơ liên quan béo phì ở ngưỡng BMI thấp dành riêng cho những nhóm người gốc Á. Chuyên gia này còn cho rằng vấn đề béo phì và những nguy cơ liên quan về tim mạch chuyển hóa có thể chưa được ghi nhận đầy đủ nếu không nghiên cứu riêng từng nhóm người gốc Á.

“Trong một thời gian dài, những người gốc Á được gộp chung thành một nhóm. Tuy nhiên, trong 5 - 10 năm qua, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng những cộng đồng trong nhóm đó thực ra rất đa dạng về nhiều mặt như hành vi, mô hình kinh tế xã hội, trình độ học vấn... với những tác động khác nhau đến sức khỏe của họ”, theo TS Shah.

Theo Thanh niên