1.Các thuốc nào có thể gây dị ứng?
Tất cả các thuốc đều có khả năng gây ra dị ứng.
Trong số các loại thuốc gây dị ứng, kháng sinh là nhóm hàng đầu, chiếm tới hơn 50%. Các thuốc kháng sinh thường gây dị ứng gồm: Penicillin, ampicillin, streptomycin, sulfonamide…
Một số thuốc ảnh hưởng trên hệ tim mạch như thuốc tê novocain, lidocain, aspirin… có thể gây choáng phản vệ.
Thuốc Đông y đứng thứ ba trong số các nhóm thuốc gây dị ứng. Đây thực sự là điều đáng báo động vì người dân vẫn thường quan niệm thuốc Đông y lành tính, mát, bổ. Nhưng trong mỗi thang thuốc có hàng chục vị, mà mỗi vị lại có nhiều chất khác nhau nên cũng dễ gây ra dị ứng đối với người mẫn cảm. Bên cạnh đó, người sử dụng thuốc đông y cũng có nguy cơ nhiễm độc với các loại hóa chất bảo quản như: Lưu huỳnh, phosphor, thuốc chống ẩm, mốc…
Thậm chí ngay cả thuốc bổ như vitamin, thảo dược... cũng có thể gây dị ứng.
Đặc biệt hiện tượng phản ứng chéo giữa thuốc gây dị ứng với thuốc khác cùng nhóm. Ví dụ như người đã bị dị ứng với kháng sinh amoxicillin (nhóm beta-lactam) thì có thể bị dị ứng với các thuốc khác nằm cùng nhóm beta-lactam. Người đã dị ứng với aspirin cũng có thể bị dị ứng với các thuốc khác nằm trong nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).
2. Nguyên nhân nào dẫn đến dị ứng thuốc?
Nguyên nhân dẫn đến dị ứng thuốc chủ yếu là do cơ địa của người sử dụng, mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong thuốc.
Tùy theo cơ địa mà người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thuốc nào, kể cả những thuốc bổ, thuốc nam... Ở những người có cơ địa dị ứng, việc dùng thuốc gặp rất nhiều khó khăn.
Thuốc hết hạn sử dụng hoặc do quá trình bảo quản không tốt, làm biến đổi tính chất của thuốc cũng gây nguy cơ cao dị ứng cho người uống.
Ngoài ra việc tự điều trị và sử dụng thuốc bừa bãi cũng gây dị ứng và những biến chứng nguy hiểm.
3.Cách nào hạn chế và khắc phục dị ứng thuốc?
Để tránh các biến chứng do thuốc:
-Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc.
-Trước khi uống thuốc cần phải làm thử phản ứng cơ thể với loại thuốc đó như đặt vào lưỡi (thuốc uống) hoặc thử test trong da đối với các loại thuốc tiêm, bôi thử một lượng nhỏ thuốc vào da vùng sau tai, mặt trong của cánh tay (thuốc bôi)… Nếu an toàn tiếp tục dùng thuốc.
Dị ứng thuốc từ nhẹ đến nặng, thậm chí là nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thơi.
- Với những người cơ địa nhạy cảm, mắc một số bệnh dị ứng (dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn…) thì nguy cơ dị ứng với thuốc cũng cao hơn thì việc test thuốc lại càng cần thiết.
Ngoài ra, mỗi lần đi khám bệnh bệnh nhân cần phải thông báo cho bác sĩ biết mình đã từng bị dị ứng với loại thuốc nào (nếu có trước đây). Điều này sẽ giúp bác sĩ kê đơn sẽ tránh dùng loại (nhóm) thuốc mà người bệnh đã từng bị dị ứng, vì những thuốc trước đây đã bị dị ứng thì lần sau tuyệt đối không nên sử dụng.
- Nếu không may bị dị ứng thuốc thì cần ngừng ngay loại thuốc đang uống. Trường hợp dị ứng nhẹ (mẩn ngứa, nổi mề đay nhẹ...) thì sau khi ngừng thuốc 1-2 ngày, các triệu chứng dị ứng sẽ hết. Tuy nhiên cần thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng dị ứng để được khắc phục và đổi thuốc điều tri.
Trường hợp dị ứng nặng (phù nề nặng, khó thở, nôn...) cần đi cấp cứu ngay và mang theo thuốc đang uống để bác sĩ biết tình trạng dị ứng do thuốc nào và có biện pháp xử trí thích hợp.
Theo suckhoedoisong.vn