Một nghiên cứu mới do nhóm các nhà khoa học Úc công bố trên Tạp chí Khoa học về tổng thể môi trường đã xem xét 163 nghiên cứu về sức khỏe từ khắp nơi trên thế giới. Qua đó, họ vẽ nên một bức tranh cực kỳ đáng lo ngại về vấn đề sức khỏe trẻ sơ sinh, dưới tác động tăng tiến từ biến đổi khí hậu.

Ước tính có khoảng 600 triệu người trên thế giới hiện đang sống ở những khu vực có nhiệt độ nằm ngoài mức được coi là lý tưởng cho con người, các nhà khoa học dự đoán con số trên sẽ tăng lên 3 tỉ người vào cuối thế kỷ này.

leftcenterrightdel
 Nghiên cứu mới cho thấy nhiệt độ khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu đã làm tăng nguy cơ sinh non trung bình 60%. Ảnh minh họa

Nghiên cứu mới cho thấy nhiệt độ khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu đã làm tăng nguy cơ sinh non trung bình 60%. Sự gia tăng các hạt bụi mịn trong không khí và các chất gây dị ứng từ những hiện tượng khí hậu như cháy rừng, hạn hán… đang có tác động đáng kể đến thời gian sinh nở của thai phụ, và làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh hô hấp. Corey Bradshaw - nhà sinh thái học toàn cầu từ Đại học Flinders (Úc) - chia sẻ: “Dữ liệu cho thấy một số loại hiện tượng thời tiết trong tương lai sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề y tế hiện có trong dân số”.

Đáng lưu ý, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không được xem xét nhiều trong nghiên cứu. Hầu hết các nghiên cứu được phân tích đều thực hiện ở các quốc gia có thu nhập cao, nơi trẻ em được bảo vệ tốt hơn. Vì vậy, tác động thực tế của biến đổi khí hậu về vấn đề này có thể còn trầm trọng hơn. 

Theo nhóm nghiên cứu, các yếu tố chính bảo vệ trẻ em khỏi mối đe dọa mà biến đổi khí hậu gây ra là sự ổn định và sức mạnh của nền kinh tế, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, cơ sở hạ tầng đầy đủ và an ninh lương thực.

Nhà khoa học y tế Lewis Weeda từ Đại học Tây Úc cho biết: “Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các quốc gia và con người. Do đó chúng ta phải giúp xã hội chuẩn bị cách đối phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với sức khỏe trẻ em”.

Theo phụ nữ TPHCM