1. Một số biểu hiện đặc trưng của bệnh viêm mũi xoang
ThS. BSCKII Hà Minh Lợi, Trưởng khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, viêm mũi xoang là bệnh lý rất phổ biến tại nước ta với các biểu hiện như:
- Ngạt mũi
- Chảy mũi
- Đau nhức vùng mặt
- Giảm khứu giác
- Ho…
Viêm mũi xoang được chia làm hai thể gồm viêm mũi xoang cấp tính và viêm mũi xoang mạn tính. Tùy vào tình trạng viêm mũi xoang cấp hay mạn tính, sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe.
2. Các thuốc điều trị viêm mũi xoang cấp tính
ThS. BSCKII Hà Minh Lợi cho biết, viêm mũi xoang cấp thường do các nguyên nhân nhiễm virus, vi khuẩn, nhiễm lạnh, dị ứng… Người bệnh cần sử dụng thuốc trị theo chỉ định của bác sĩ, để làm giảm các triệu chứng, chăm sóc nâng cao thể trạng giúp bệnh nhanh chóng hồi phục.
- Thuốc hạ sốt: Người bệnh có thể sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau trong các trường hợp có triệu chứng đau nhức vùng mặt, trán trong đợt viêm mũi xoang cấp. Các loại thuốc thường sử dụng như acetaminophen, aspirin, ibuprofen… Lưu ý cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng aspirin hoặc ibuprofen cho bệnh nhân hen suyễn.
- Thuốc kháng sinh: Được chỉ định trong trường hợp viêm mũi xoang cấp tính do vi khuẩn. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ cân nhắc loại kháng sinh phù hợp. Thông thường kháng sinh được lựa chọn theo khuyến cáo của các nước trên thế giới cũng như Việt Nam là amoxicillin, sử dụng trong 7-10 ngày.
- Điều trị tại chỗ như xịt mũi, rửa mũi… giúp bệnh nhanh khỏi hơn. Người bệnh có thể tự rửa mũi tại nhà bằng nước muối sinh lý để làm sạch mũi, loại bỏ chất nhầy và giảm triệu chứng nghẹt. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thuốc xịt mũi, nhỏ mũi có tác dụng co mạch, giảm viêm, thông mũi như naphazoline, phenylephrine… Tuy nhiên, những thuốc này không nên tự ý sử dụng hoặc dùng kéo dài, cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
3. Thuốc điều trị viêm mũi xoang mạn tính
Tùy căn nguyên gây bệnh bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể. Các phương pháp điều trị viêm mũi xoang mạn tính bao gồm điều trị nội khoa (dùng thuốc) và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật).
Trong điều trị nội khoa, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc như:
- Thuốc chữa viêm xoang mũi có chứa corticoid dạng xịt hoặc uống: Tùy vào từng tình trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định đường dùng corticoid phù hợp. Thuốc có tác dụng nhanh, giúp giảm các triệu chứng ngứa mũi, sổ mũi, nghẹt mũi... Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, thâm chí nguy hiểm, nếu người bệnh không tuân thủ phác đồ của bác sĩ, lạm dụng thuốc.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh cũng được chỉ định trong trường hợp viêm mũi xoang mạn tính do vi khuẩn. Việc lựa chọn loại kháng sinh nào, sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh cũng như tiền sử sử dụng kháng sinh ở mỗi bệnh nhân.
4. Nguy cơ suy tuyến thượng thận - một tai biến nguy hiểm trong sử dụng thuốc
Hiện nay, có nhiều người bệnh viêm mũi xoang không đi khám bác sĩ mà tự ý sử dụng các thuốc giảm triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi. Thông thường, hầu hết các loại thuốc này có chứa thành phần corticoid. Khi sử dụng, các triệu chứng có thể giảm bớt tức thời. Tuy nhiên, sử dụng kéo dài có thể gây ra những tác dụng phụ toàn thân, trong đó nguy hiểm nhất là suy tuyến thượng thận - ThS. BSCKII Hà Minh Lợi cảnh báo.
Tuyến thượng thận nằm trên hai quả thận. Phần vỏ tuyến thượng thận nằm ở bên ngoài, có nhiệm vụ tiết hormon corticosteroid để góp phần tham gia vào quá trình kiểm soát trao đổi chất, chức năng miễn dịch, viêm của cơ thể. Trong khi đó, phần tủy nằm ở bên trong có nhiệm vụ tiết các hormon để duy trì, ổn định nhịp tim và huyết áp ở mức bình thường.
Lạm dụng corticoid trong điều trị viêm mũi xoang, sử dụng kéo dài rồi ngừng thuốc đột ngột, sẽ gây rối loạn chức năng và ức chế hoạt động của tuyến thượng thận. Điều này làm cho tuyến thượng thận chưa thể hoạt động trở lại bình thường, giảm chức năng tiết hormon.
Người bệnh lạm dụng corticoid dẫn đến biến chứng suy tuyến thượng thận thường gặp các triệu chứng:
- Mệt mỏi, sụt cân, ăn kém
- Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy
- Sốt, đau đầu, tụt huyết áp, tụt đường huyết
- Rối loạn tâm thần, ý thức, thậm chí hôn mê, lơ mơ...
Để phòng tránh suy tuyến thượng thận, người bệnh không nên tự ý mua và dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Nếu phải dùng thuốc, cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh lạm dụng hoặc ngưng dùng thuốc đột ngột.
Theo suckhoedoisong.vn