Hầu hết các vết bầm là vết bầm dưới da, xuất hiện ngay bên dưới lớp biểu bì. Nhưng theo các chuyên gia, vết bầm cũng có thể xuất hiện ở cơ hoặc xương. Trong đó, vết bầm xương là đau và nghiêm trọng nhất.
Trong hầu hết các trường hợp, vết bầm nhẹ sẽ biến mất sau 1 hoặc 2 tuần, nhưng vết bầm nghiêm trọng có thể mất đến 6 tuần để mờ hoàn toàn, theo trang sức khỏe Livestrong (Mỹ).
|
|
Để ngăn ngừa vết bầm tím, bạn không nên tập thể dục quá sức |
Nguyên nhân gây ra vết bầm chân khi tập thể dục
Các bài tập cường độ cao tác động mạnh đến chân có thể dẫn đến hiện tượng bầm tím.
Tập thể dục quá sức: Theo National Institute for Fitness and Sport, tập thể dục cường độ cao trong thời gian dài như chạy marathon có thể làm suy yếu cơ bắp và mạch máu, gây bầm tím.
Va chạm trong lúc tập: Vết bầm tím sau khi tập luyện có thể do va chạm trực tiếp, ví dụ như va vào dụng cụ tập luyện hoặc do áp lực lặp đi lặp lại.
Do lão hóa: Lão hóa khiến da và mạch máu mỏng manh hơn, dẫn đến hiện tượng dễ bầm tím hơn khi tập luyện do áp lực lên cơ bắp tăng cao, theo Mayo Clinic.
Sử dụng thuốc làm loãng máu: Việc sử dụng thuốc làm loãng máu như aspirin hay thuốc chống đông máu có thể khiến bạn dễ bầm tím hơn khi tập luyện.
Do bệnh lý tiềm ẩn: Thiếu vitamin C, K hoặc một số bệnh lý sẽ ảnh hưởng đến quá trình đông máu và khiến chân bạn dễ bầm tím khi tập luyện.
Cách giảm vết bầm tím
Hầu hết các vết bầm sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Nếu vết bầm nghiêm trọng, bạn cần cho chân mình nghỉ ngơi và kê cao chúng so với tim để ngăn máu ứ đọng ở vùng dưới cơ thể.
Việc dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm đau. Tuy nhiên, nhìn chung, nếu thỉnh thoảng bạn bị bầm tím ở chân do tập thể dục thì không cần lo lắng.
Để ngăn ngừa vết bầm tím, bạn không nên tập thể dục quá sức và tránh để chân va chạm với các dụng cụ tập. Ngoài ra, việc khởi động và giãn cơ kỹ trước và sau khi tập thể dục cũng có thể ngăn ngừa tình trạng này.
Theo Thanh niên