leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Nhiệt độ bình thường của con người là khoảng 37°C. Sốt nhẹ có nghĩa là nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ từ 37,05°C đến 38,0°C và kéo dài hơn 24 giờ. Sốt dai dẳng thường được định nghĩa là sốt kéo dài hơn 10 đến 14 ngày.

Sốt có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau, nhưng hầu hết các cơn sốt nhẹ đều không có gì đáng lo ngại. Dưới đây là 8 nguyên nhân gây sốt nhẹ kéo dài mà mọi người nên chú ý:

1. Nhiễm trùng đường hô hấp

Nhiễm trùng đường hô hấp có thể gây sốt nhẹ kéo dài. Một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến như cảm lạnh hoặc cúm, có thể gây sốt nhẹ kéo dài trong khoảng thời gian cơ thể chống lại nhiễm trùng, nhưng cũng thường kéo dài 2,3 ngày.

Các triệu chứng khác có thể chỉ ra nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm: ho, hắt hơi, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, đau họng, ớn lạnh, mệt mỏi, chán ăn.

Viêm phổi do virus và viêm phế quản là hai loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác cũng có thể gây sốt nhẹ. Cùng với sốt, ớn lạnh và đau họng, viêm phổi và viêm phế quản còn kèm theo tình trạng ho kéo dài nhiều tuần.

- Cách điều trị

Đối với các tình trạng cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường, sốt nhẹ có thể không cần sử dụng thuốc mà bạn chỉ cần chườm ấm, mặc quần áo thoáng mát, uống đủ nước, giữ không gian thoáng đãng. Tuy nhiên, nếu sốt trên 38,5 độ mọi người có thể sử dụng thuốc hạ sốt, nhưng lưu ý khoảng cách giữa mỗi lần dùng thuốc là từ 4 đến 6 giờ.

Ngoài các biện pháp hạ sốt, một số biện pháp tại nhà giúp điều trị và làm giảm triệu chứng mà mọi người có thể áp dụng:

+ Uống nhiều nước ấm hoặc pha một thìa mật ong với nước ấm để làm dịu cơn ho và thông mũi.

+ Ăn uống các thực phẩm giàu vitamin, kẽm

+ Nghỉ ngơi nhiều hơn

+ Dùng thuốc không kê đơn như thuốc giảm ho, thuốc long đờm,...

leftcenterrightdel
 Nhiễm trùng đường hô hấp có thể gây sốt nhẹ kéo dài khoảng 2 đến 3 ngày (Ảnh: ST)

2. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) cũng có thể là nguyên nhân cơ bản gây sốt nhẹ. UTI là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, xảy ra khi vi khuẩn nhân lên ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu, bao gồm bàng quang, niệu đạo, thận và niệu quản.

Ngoài sốt nhẹ, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: đau bụng, cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, liên tục muốn đi tiểu, nước tiểu đậm.

- Cách điều trị

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng tiểu đều có thể điều trị đơn giản bằng kháng sinh. Bác sĩ có thể phân tích mẫu nước tiểu để xác định chính xác loại vi khuẩn gây nhiễm trùng để đảm bảo rằng họ kê đơn điều trị phù hợp. Sốt nhẹ do nhiễm trùng đường tiết niệu có thể không cần sử dụng thuốc hạ sốt.

Cách tự chăm sóc và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tại nhà các bạn có thể tham khảo:

+ Sử dụng chai nước nóng để giảm đau

+ Uống nhiều nước. Có thể uống nước râu ngô, mã đề để hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả, nhanh chóng hơn.

+ Tránh các thực phẩm gây kích thích bàng quang như cà phê, rượu và thức ăn cay.

+ Uống nước ép nam việt quất, một số nghiên cứu cho thấy loại nước ép này có thể giúp chống nhiễm trùng đường tiết niệu.

leftcenterrightdel
Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng phổ biến ở nữ giới (Ảnh: ST) 

3. Thuốc

Sốt nhẹ có thể xảy ra khoảng 7 đến 10 ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc mới. Điều này đôi khi được gọi là sốt thuốc.

Các loại thuốc liên quan đến sốt nhẹ bao gồm:

+ Kháng sinh beta-lactam, chẳng hạn như cephalosporin và penicillin

+ Quinidin

+ Procainamit

+ Metyldopa

+ Phenytoin

+ Carbamazepin

- Cách điều trị

Nếu cơn sốt của bạn liên quan đến thuốc, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc đề nghị dùng loại thuốc khác. Cơn sốt sẽ biến mất sau khi ngừng thuốc.

4. Căng thẳng

Sốt dai dẳng có thể do căng thẳng cảm xúc mãn tính gây ra. Đây được gọi là cơn sốt tâm lý. Sốt tâm lý thường gặp nhất ở phụ nữ trẻ và những người mắc các bệnh thường trầm trọng hơn do căng thẳng, chẳng hạn như hội chứng mệt mỏi mãn tính và đau cơ xơ hóa.

Thuốc hạ sốt như acetaminophen không thực sự có tác dụng chống sốt do căng thẳng. Thay vào đó, thuốc chống lo âu là liệu pháp dùng để điều trị cơn sốt tâm lý.

5. Bệnh lao

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại vi khuẩn có tên là Mycobacteria lao gây ra. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan từ người sang người thông qua không khí, chẳng hạn như người bệnh ho, hắt hơi, vi khuẩn sẽ phát tán ra không khí và có thể lây truyền sang cho người khác.

Bệnh lao có ở 2 dạng là lao tiềm ẩn và bệnh lao (lao hoạt động. Bệnh lao ở dạng tiềm ẩn tức là vi khuẩn có thể không hoạt động trong cơ thể bạn trong nhiều năm và không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, khi hệ thống miễn dịch của bạn bị suy yếu, bệnh lao có thể hoạt động.

Các triệu chứng của bệnh lao đang hoạt động bao gồm:

+ Ho ra máu hoặc đờm

+ Đau khi ho

+ Mệt mỏi không rõ nguyên nhân

+ Sốt. Bệnh lao có thể gây sốt nhẹ dai dẳng, đặc biệt là vào ban đêm, có thể dẫn đến đổ mồ hôi ban đêm.

- Cách điều trị và chẩn đoán

Bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm gọi là xét nghiệm da dẫn xuất protein tinh khiết (PPD) để xác định xem bạn có bị nhiễm vi khuẩn lao hay không. Những người được chẩn đoán mắc bệnh lao đang hoạt động phải dùng nhiều loại thuốc trong 6 đến 9 tháng để chữa khỏi bệnh.

6. Bệnh tự miễn

Những người mắc bệnh tự miễn mãn tính, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng và viêm khớp dạng thấp có thể có nhiệt độ cơ thể tăng cao. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cho biết những người tham gia mắc một dạng đa xơ cứng được gọi là đa xơ cứng tái phát phàn nàn về sự mệt mỏi và bị sốt nhẹ.

- Cách điều trị

Trong trường hợp sốt liên quan đến viêm khớp hoặc bệnh đa xơ cứng, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên uống nhiều nước, cởi bỏ nhiều lớp quần áo và dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc acetaminophen cho đến khi hết sốt.

7. Vấn đề về tuyến giáp

Viêm tuyến giáp bán cấp là tình trạng viêm tuyến giáp. Bệnh có thể gây sốt nhẹ trong một số trường hợp. Viêm tuyến giáp có thể do nhiễm trùng, phóng xạ, chấn thương, tình trạng tự miễn dịch hoặc thuốc.

Các triệu chứng khác của viêm tuyến giáp bao gồm: đau cơ, mệt mỏi, đau gần tuyến giáp, đau cổ thường lan lên tai.

Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm tuyến giáp bằng cách khám cổ và xét nghiệm máu đo nồng độ hormone tuyến giáp.

Đối với tình trạng về tuyến giáp, bạn nên tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ như theo dõi hay sử dụng thuốc - điều này sẽ tùy vào tình trạng bệnh lý của bạn. Nhưng điều quan trọng là bạn nên giữ tinh thần thoải mái, thể dục hàng ngày và có chế độ ăn uống cân bằng.

8. Ung thư

Một số bệnh ung thư - đặc biệt là ung thư hạch và bệnh bạch cầu có thể gây sốt nhẹ kéo dài và không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, sốt là triệu chứng không đặc hiệu của bệnh ung thư. Do vậy, sốt dai dẳng thường không có nghĩa là bạn bị ung thư, nhưng nó có thể cảnh báo rằng bạn nên đến bệnh viện thăm khám để loại trừ nguyên nhân này.

Các triệu chứng phổ biến khác của bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch bao gồm:

- Mệt mỏi mãn tính

- Đau xương và khớp

- Hạch bạch huyết mở rộng

- Đau đầu

- Giảm cân không rõ nguyên nhân

- Đổ mồ hôi đêm

- Yếu đuối

- Khó thở

- Ăn không ngon

Tùy thuộc vào loại và giai đoạn của bệnh ung thư, bác sĩ có thể đề nghị kết hợp hóa trị, xạ trị, phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác.

9. Khi nào nên gặp bác sĩ?

Nếu cơn sốt của bạn thấp hơn 38,5 độ nhưng kéo dài hơn ba ngày, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ. Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào kèm theo sốt:

+ Phát ban kỳ lạ nhanh chóng và trở nên tồi tệ hơn

+ Lú lẫn

+ Nôn mửa dai dẳng

+ Co giật

+ Đau khi đi tiểu

+ Cổ cứng

+ Đau đầu dữ dội

+ Sưng họng

+ Yếu cơ

+ Khó thở

+ Ảo giác

Nhìn chung, hầu hết các cơn sốt nhẹ đều không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu sốt kéo dài trên 3 ngày hoặc sốt tái phát liên tục mà không rõ nguyên nhân thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám để chẩn đoán cũng như điều trị kịp thời các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.

Vân Anh/Nguồn: Healthline.com