leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Mỡ bụng là vấn đề nhiều người phải đối mặt. Dù bạn dành hàng giờ tại phòng gym nhưng việc giảm cân ở vùng bụng có thể vẫn là một thách thức.

Đối với nhiều phụ nữ, tình trạng tăng cân xuất hiện theo thời gian. Quá trình trao đổi chất diễn ra chậm lại, cơ thể không đốt cháy nhiều calo nên trọng lượng bắt đầu tăng dần. Cùng với tuổi tác, một loạt các yếu tố khác cũng đóng vai trò nào đó. 

Tác hại của mỡ bụng 

Phụ nữ có vòng eo trên 88cm bị coi là béo bụng. Mỡ bụng hay mỡ nội tạng bao quanh các cơ quan nội tạng ở bụng. Tình trạng này có liên quan đến bệnh tim và hội chứng chuyển hóa, bao gồm bệnh tiểu đường và béo phì. Tế bào mỡ tiết ra các chất hóa học làm thay đổi quá trình trao đổi chất trong cơ thể. 

Tiến sĩ Mike Hoaglin (người Mỹ), giải thích, so với chất béo ở đùi, các tế bào mỡ nội tạng hoạt động mạnh hơn. Chúng tiết ra hóa chất gây viêm gọi là cytokine khiến việc giảm cân và giảm lượng đường trong máu trở nên khó khăn. 

Theo Parade, bởi vì bụng rất gần với gan nên chất béo liên tục vào gan và sau đó là máu. Do đó, cholesterol sẽ tăng và tình trạng viêm nặng hơn. Một lượng lớn chất béo nội tạng cũng ngăn chặn adiponectin, loại hormone giúp tăng cường đốt cháy chất béo và giảm lượng đường trong máu.

Nguyên nhân gây ra mỡ bụng ở phụ nữ

Tiến sĩ Hoaglin cho biết, căng thẳng có thể góp phần gây ra mỡ bụng. Cơ thể sinh ra cortisol để kiểm soát stress. Tuy nhiên, cortisol tăng trong thời gian dài sẽ gây tích tụ chất béo và đường. Di truyền cũng đóng một vai trò nhất định, đặc biệt ở phụ nữ. 

Tiến sĩ Mir Ali, Giám đốc y tế của Trung tâm giảm cân phẫu thuật MemorialCare, cho biết: “Nguyên nhân chính của béo bụng là chế độ ăn uống kém chất lượng với quá nhiều đường, rượu và chất béo chuyển hóa. Ít vận động cũng đóng một vai trò quan trọng. Các yếu tố khác bao gồm thiếu ngủ và di truyền”.

Cách giảm mỡ bụng 

- Hạn chế carbs tinh chế

Carbohydrate tinh chế như đường và bột mì trắng làm cho mức insulin của bạn tăng đột biến. Điều này có thể góp phần gây viêm nhiều hơn ở mỡ nội tạng và làm tăng mạnh loại chất béo đó. 

Tiến sĩ Hoaglin khuyên mọi người nên trao đổi với người có kiến thức chuyên môn về kế hoạch giảm cân. Bác sĩ có thể đưa ra các loại thực phẩm có chỉ số đường thấp hơn. Họ thậm chí yêu cầu bạn bắt đầu chế độ ăn keto, tập trung vào chất béo và protein lành mạnh và giảm đáng kể lượng carbohydrate.

leftcenterrightdel
Chế độ ăn keto giúp ích cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Healthline 

- Ăn thực phẩm giàu chất xơ và ít đường

Thay đổi thói quen ăn uống và lối sống là cách giảm mỡ bụng hiệu quả nhất. Tiến sĩ Ali giải thích: “Một chế độ ăn giàu chất xơ và protein cũng như ít đường là bước khởi đầu tuyệt vời. Giảm thiểu hoặc loại bỏ rượu cũng rất quan trọng”.

- Ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên

Tiến sĩ Ali cho biết, cải thiện thói quen ngủ và tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm tích cực mỡ vùng bụng.

- Giảm căng thẳng

Tiến sĩ Lydia Alexander, Phó chủ tịch Hiệp hội Y học Béo phì, chia sẻ, căng thẳng là một yếu tố dẫn tới béo bụng. Căng thẳng mạn tính làm tăng cortisol và dẫn đến kháng insulin gây ra tích tụ mỡ ở vùng eo. 

Thực hành thiền định có thể có lợi cho việc giảm stress, góp phần giảm nguy cơ gia tăng mỡ vùng bụng.

Theo vietnamnet