Trong những thập kỷ gần đây, Nhật Bản đã đầu tư nhiều nguồn lực vào các chương trình giáo dục sức khỏe và dinh dưỡng. Năm 2005, Nhật Bản ban hành Luật Shokuiku, còn được gọi là “giáo dục ẩm thực".
Shokuiku thiên về triết lý ăn uống lành mạnh và cân bằng. Nói chính xác hơn, nó dựa trên việc tìm hiểu những gì chúng ta ăn, cách chúng ta chế biến và cách chúng ta kết hợp các loại thực phẩm khác nhau.
Triết lý Shokuiku bao gồm 4 trụ cột cơ bản
Thứ nhất, tập trung vào cảm giác no hơn là lượng calo. Shokuiku khuyến khích ăn uống thanh đạm. Điều này có nghĩa là điều chỉnh các tín hiệu đói và học cách nhận biết khi nào chúng ta bắt đầu cảm thấy no. Bạn sẽ ăn chậm và ngừng ăn khi cảm giác no đạt 80%.
Thứ hai, ăn các thực phẩm toàn phần. Shokuiku nhấn mạnh tầm quan trọng của thực phẩm toàn phần (thực phẩm thực vật chưa qua chế biến và chưa tinh chế, hoặc chế biến và tinh chế càng ít càng tốt), chẳng hạn như sau: Trái cây, rau, quả hạch, hạt giống, các loại ngũ cốc, các loại đậu...
Thực phẩm toàn phần chứa các chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần, chẳng hạn như protein, chất xơ, chất béo có lợi cho tim và vi chất dinh dưỡng.
Thứ ba, thưởng thức nhiều loại thực phẩm. Shokuiku khuyến khích các bữa ăn bao gồm nhiều loại rau khác nhau, cùng với một ít gạo và một nguồn protein tốt.
Thứ tư, nguyên tắc cuối cùng Shokuiku nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc ngồi ăn với người khác và chia sẻ bữa ăn. Điều này giúp củng cố các mối quan hệ giữa các cá nhân và thúc đẩy việc ăn uống có thanh đạm hơn.
Nhật Bản không chỉ là quốc gia phát triển có tỉ lệ béo phì thấp nhất mà còn là quốc gia có tuổi thọ cao nhất. Điều này liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống và lối sống của người dân.
Chế độ ăn Shokuiku giúp cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu; sức khỏe đường ruột tốt hơn và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Ngoài ra, việc hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn đã được chứng minh là giúp cải thiện sức khoẻ, phòng chống nhiều loại bệnh tật, bao gồm bệnh tim mạch, bệnh viêm ruột, trầm cảm và một số loại ung thư./.
Theo vov