Thông thường, các vấn đề về thị lực ở trẻ nhỏ như cận hay viễn thị có thể được giải quyết đơn giản bằng việc cho trẻ đeo kính đúng số. Thế nhưng nếu như những vấn đề thị lực này không được chẩn đoán hoặc không được điều trị, chúng có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của mắt, đến việc học tập và sự tự tin của trẻ khi tham gia vào các hoạt động thường ngày.

Nhận biết bất thường thị lực của trẻ và cách chăm sóc để có đôi mắt khỏe - Ảnh 2.

Các vấn đề về thị lực ở trẻ nhỏ trong độ tuổi đi học không phải lúc nào cũng có biểu hiện rõ ràng.

Dấu hiệu nhận biết trẻ có vấn đề về thị lực

Hiện nay, tỷ lệ trẻ mắc bệnh về thị lực tăng cao, nhất là ở khu vực thành thị. Dịch COVID-19 vừa qua, do thời gian trẻ ở trong nhà quá lâu cùng các thiết bị di động, lớp học online... khiến trẻ mắc các tật về mắt ngày càng nhiều.

Trong một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Ophthalmology, hồi tháng 1/2022 các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cho biết: Tỉ lệ mắc cận thị ở trẻ em từ 6 đến 8 tuổi ở nước này tăng lên ba lần so với 5 năm trước đó. Tại Mỹ các bác sĩ ở cũng báo cáo mức tăng tương tự khi không ít trẻ tăng độ cận thị (5 - 6 đi ốp). Theo Bệnh viện Mắt Wills ở Philadelphia (Hoa Kỳ), BS nhãn khoa Julia A. Haller cho biết: Những tác động rất lớn từ đại dịch khiến trẻ em và người lớn bị cận thị khá cao, có nhiều nguy cơ bị thủng hoặc rách võng mạc, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.

Cùng với cận thị, nhiều trường hợp "mỏi mắt kỹ thuật số" ở trẻ em bao gồm các triệu chứng như mờ mắt, nhức đầu, mỏi mắt, mắt thiếu linh hoạt...

Như vậy, có thể nói rằng trẻ cần có thị lực tốt mới có thể tham gia học tập tốt. Việc học có thể là đọc, viết, sử dụng máy tính và cả điện thoại thông minh, ngay cả môn thể dục cũng cần có thị lực tốt. Nếu thị lực kém, hạn chế tầm nhìn, trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung học tập.

Cha mẹ cũng có thể biết được con mình có vấn đề về thị lực thông qua một số dấu hiệu. Trẻ có thể nheo mắt khi nhìn xa hoặc đọc quá gần mặt trẻ, các dấu hiệu có thể chỉ ra các vấn đề thị lực của trẻ bao gồm:

Có khoảng thời gian chú ý ngắn, trẻ có thể nhanh chóng mất hứng thú với các trò chơi, hoạt động kéo dài. Trong quá trình đọc bài hay truyện, trẻ làm mất vị trí khi đọc, khi trẻ đọc (đọc to hay đọc thầm) chúng có thể khó nhìn theo vị trí trên trang giấy.

Ở một số trẻ có hiện tượng ngại đọc, tránh đọc và các hoạt động nhìn gần như chơi trò chơi hoặc các hoạt động khác. Có thể trẻ sẽ không nói với cha mẹ những rắc rối mà chúng đang gặp phải.

Khi có bất thường về thị lực, trẻ sẽ quay đầu sang bên khi nhìn vật gì đó trước mặt. Đây có thể là dấu hiệu của một tật khúc xạ, bao gồm cả loạn thị, vì khi trẻ quay đầu sẽ giúp trẻ nhìn rõ hơn.

Ngoài ra, một vài dấu hiệu mà cha mẹ có thể nhận biết được nếu như con mình đang gặp phải vấn đề về thị lực: Trẻ có xu hướng nheo mắt khi đọc sách hay xem TV; Trẻ dụi mắt nhiều, chảy nước mắt mà không rõ lý do; ngồi rất gần TV hoặc màn hình máy tính… Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào trong số những dấu hiệu trên, hãy đưa trẻ tới các cơ sở nhãn khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nhận biết bất thường thị lực của trẻ và cách chăm sóc để có đôi mắt khỏe - Ảnh 4.

Cần đưa trẻ kiểm tra thị lực định kỳ 6 tháng/1 lần, nhằm phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về thị lực.

Cách chăm sóc đôi mắt của trẻ để phòng bệnh

Để phòng các bệnh về mắt ở trẻ tuổi học đường, ngay từ khi trẻ mới đi học, cha mẹ cần hướng dẫn con ngồi đúng tư thế, trong đó đảm bảo khoảng cách từ mắt tới trang vở ít nhất 30cm. Hướng dẫn, uốn nắn trẻ ngồi thẳng lưng, tránh tình trạng gù hoặc ngồi rướn, gây cảm giác khó chịu…

Phòng học của trẻ cần đảm bảo được cung cấp đầy đủ ánh sáng, không để trẻ ngồi ngược sáng, ảnh hưởng không tốt tới thị lực của trẻ.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát thời gian trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính… Bởi ánh sáng xanh từ các thiết bị nêu trên là nguyên nhân khiến thị lực suy giảm đáng kể. Khi sử dụng thiết bị điện tử, trẻ cần để xa tầm mắt để bảo vệ sức khỏe đôi mắt.

Cùng với hoạt động chăm sóc mắt hàng ngày, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp duy trì trạng thái sáng khỏe và trẻ trung lâu dài cho đôi mắt. Cần tăng cường cho trẻ chế độ ăn giàu vitamin A như gan, cá, tôm, thịt, trứng, sữa, rau củ, trái cây… các loại ngũ cốc giàu vitamin E để củng cố vỏ nhãn cầu, phòng ngừa cận thị. Một chế độ ăn uống cân bằng còn nuôi dưỡng các bộ phận khác trong cơ thể, đặc biệt là mắt. Cần ăn đa dạng thực phẩm cũng như chăm sóc hằng ngày giúp đôi mắt luôn sáng rõ, khỏe mạnh, chống lại ánh sáng độc hại và giảm sự phát triển của các bệnh về mắt.

Thị lực của trẻ gắn liền với thành công học tập và các hoạt động ở trường. Vì vậy, cần đưa trẻ kiểm tra thị lực định kỳ 6 tháng/1 lần, nhằm phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về thị lực giúp cải thiện tầm nhìn và hoạt động của trẻ.

Theo suckhoedoisong.vn