Hen phế quản là một bệnh hô hấp mạn tính, không lây, phổ biến ở cả trẻ em và người lớn và đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ước tính, căn bệnh sẽ ảnh hưởng đến khoảng 339 triệu người trên toàn thế giới, chiếm 4% -14% dân số các nước.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người mắc bệnh hen lên tới khoảng 400 triệu người vào năm 2025. Hàng năm, có khoảng 250.000 người trên thế giới tử vong do bệnh hen. Nguyên nhân gây tử vong thường là do cơn hen nặng, hen ác tính hay do mắc bệnh kéo dài. Bên cạnh đó, tử vong còn do tình trạng bệnh lý ngày càng phức tạp, một bệnh nhân hen có thể đồng mắc với các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, trầm cảm hoặc nhiễm virus…

Nguyên nhân khởi phát cơn hen

Cơn hen ác tính là cơn hen nặng, nguy kịch (rất nặng) mà không có khả năng đáp ứng với điều trị bằng thuốc giãn phế quản tích cực. Có 2 loại khởi phát cơn là:

- Cơn khởi phát chậm chiếm 90% và có xu hướng tiến triển nặng dần sau 6 giờ.

- Cơn tiến triển đột ngột hiếm gặp hơn, chỉ chiếm khoảng 10%.

Nhận biết cơn hen phế quản ác tính và dự phòng - Ảnh 1.

Hải sản (tôm, cua, cá, sò…)... là dị nguyên dễ gây cơn hen phế quản ác tính

Cơn hen xuất hiện do các tác nhân dị ứng, đây là nguyên nhân thường gặp nhất:

- Dị nguyên đường hô hấp: Cơn hen do các dị nguyên thường gặp là bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá, các con bọ sống trong chăn nệm… Cũng có thể là những chất trong công nghiệp như: bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn…

- Dị nguyên thực phẩm: Thực phẩm cũng là một trong những tác nhân gây hen, trong đó kể đến các loại hải sản (tôm, cua, cá, sò…), trứng, thịt gà, lạc.

- Thuốc: Một số loại thuốc cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen như aspirin, penicillin…

- Tác nhân nhiễm khuẩn: Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan ...

Cơn hen do các tác nhân không phải dị ứng là do yếu tố di truyền (trong gia đình có người bị hen phế quản); do yếu tố tâm lý (lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý…); ...

Tầm soát COPD và hen phế quản sẽ giúp chúng ta có khả năng phòng tránh và phát hiện sớm bệnh. Ảnh minh họa

Tầm soát COPD và hen phế quản sẽ giúp chúng ta có khả năng phòng tránh và phát hiện sớm bệnh. Ảnh minh họa

Nhận biết cơn hen phế quản ác tính

Đối với bệnh nhân đã được chẩn đoán hen phế quản, tiếp xúc với các tác nhân kích thích có thể dẫn đến việc khởi phát cơn hen cấp. Khi đó người bệnh có thể có các biểu hiện như:

- Ý thức lơ mơ, lú lẫn, mất ý thức.

- Khó thở, tím tái, thở ngáp, nhịp thở chậm hoặc ngừng thở, tiếng rì rào phế nang và tiếng ran rít trong phổi giảm hoặc không nghe thấy.

- Người bệnh không thể nói chuyện.

- Nhịp mạch chậm, không bắt được mạch.

- Hô hấp vùng ngực - bụng nghịch thường (dấu hiệu của kiệt sức cơ hô hấp)

Khi phát hiện cơn hen ác tính, cần phản ứng nhanh cấp cứu lúc ban đầu: Thở oxy, khai thông đường thở, đặt ống nội khí quản, khí dung giãn phế quản, corticoid, nhanh chóng gọi hỗ trợ của tuyến trên và phối hợp chuyển bệnh nhân lên tuyến y tế có điều kiện và khả năng theo dõi, điều trị cho bệnh nhân.

Dự phòng hen phế quản

Để dự phòng cơn hen phế quản cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi nhà, lông động vật, phấn hoa...

- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; không nuôi chó, mèo, các con thú khác trong nhà.

- Người bệnh dị ứng với loại thực phẩm nào thì cần tránh ăn uống loại thực phẩm đó.

- Phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp.

- Tránh lo âu, căng thẳng quá mức.

- Khi đã được chẩn đoán mắc hen phế quản, người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng một số loại thuốc như aspirin và các thuốc chống viêm nonsteroid vì dễ gây nên cơn hen phế quản cấp.

- Chủ động tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng phế cầu và đi khám chuyên khoa hô hấp để được tư vấn mức độ nặng/nhẹ của bệnh và có phác đồ điều trị dự phòng phù hợp.

Tóm lại: Hen phế quản ác tính là một tình trạng cấp cứu, sau cơn hen phế quản ác tính có thể để lại những hậu quả nặng nề. Do đó, khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh hen phế quản, cần tầm soát bệnh hen phế quản ở giai đoạn sớm.

Nguyên tắc điều trị và phòng ngừa bệnh hen là cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, bệnh hen là bệnh mạn tính nên không thể chữa dứt điểm được. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị bệnh hen càng sớm càng tốt, sẽ kiểm soát được bệnh và không làm bệnh phát triển nặng thêm và ít ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em và chất lượng cuộc sống.

Theo suckhoedoisong.vn