Hen phế quản là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng thường xuyên của phế quản với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan tỏa cơ trơn phế quản.

Y học cổ truyền gọi hen phế quản là chứng háo suyễn với các biểu hiện như thở khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. Một số thủ thuật xoa bóp, bấm huyệt thường dùng trong điều trị hen phế quản như sau:

1. Xoa bóp hỗ trợ điều trị hen phế quản

1.1 Xát day vùng cổ

  • Dùng tay xát nóng và day bóp vùng cổ trong 1 phút.
  • Tiếp đó, xát vùng ngực trước từ xương đòn đến ngang mũi ức trong 2 phút sao cho vùng này nóng lên là được.
  • Cuối cùng, dùng tay xát mạng sườn theo hướng chếch của xương sườn, tay phải xát bên trái và ngược lại, mỗi bên 1 phút.
Xoa bóp, bấm huyệt trong điều trị hen phế quản - Ảnh 1.

Xay dát vùng cổ hỗ trợ điều trị hen phế quản.

1.2 Xoa ngực

Dùng bàn tay phải xoa từ bên phải sang bên trái ngực, sau đó dùng bàn tay trái xoa từ bên trái sang bên phải ngực. Không xoa mạnh quá, tốc độ xoa khoảng 100 - 120 lần/1 phút tới khi ngực nóng lên thì thôi.

1.3 Vỗ ngực

Dùng bàn tay phải vỗ ngực bên trái, tiếp theo dùng tay trái vỗ ngực phải. Mỗi bên 10 lần. Khi vỗ các ngón tay khép lại, hơi khum để có hơi (khi vỗ nghe có tiếng hơi bồm bộp).

1.4 Xoa sườn

Dùng hai bàn tay xoa hai bên sườn từ trên xuống dưới khoảng 50 lần.

Xoa bóp, bấm huyệt trong điều trị hen phế quản - Ảnh 2.

Day ấn huyệt thiên đột hỗ trợ điều trị hen phế quản.

2. Day ấn các huyệt

Day ấn huyệt thiên đột: Dùng ngón tay giữa day ấn huyệt thiên đột trong 1 phút.

Vị trí huyệt thiên đột: Chỗ lõm sát bờ trên xương ức.

Day ấn huyệt vân môn: Dùng ngón tay trỏ day ấn huyệt vân môn trong 1 phút.

Vị trí huyệt vân môn: Ở chỗ lõm giữa đầu trong xương cánh tay và xương đòn, cách đường trục giữa cơ thể 6 thốn (1 thốn bằng chiều dài của đốt giữa ngón tay giữa).

Day ấn huyệt đản trung: Dùng ngón tay trỏ hoặc ngón tay giữa day ấn huyệt đản trung trong 1 phút.

Vị trí huyệt đản trung: Điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường ngang qua hai núm vú (ở nam giới) hay đường ngang qua bờ trên hai khớp ức sườn thứ 5 (ở nữ giới).

leftcenterrightdel
 Vị trí huyệt vân môn.

Day ấn huyệt xích trạch: Dùng ngón tay trỏ day ấn huyệt xích trạch trong 1 phút.

Vị trí huyệt xích trạch: Gấp cẳng tay vào cánh tay để xác định nếp nhăn da tương ứng với khớp khuỷu, sờ vùng giữa nếp nhăn này thấy một gân to của cơ nhị đầu cánh tay, huyệt nằm ở chỗ lõm cạnh bờ ngoài gân này.

Day ấn huyệt ngư tế: Dùng ngón tay cái day ấn huyệt ngư tế trong 1 phút.

Vị trí huyệt ngư tế: Lấy ở chỗ tiếp giáp của da gan tay và mu tay, ngang giữa chiều dài xương bàn tay thứ nhất.

Day ấn huyệt khí hải: Dùng ngón tay trỏ day ấn huyệt khí hải trong 1 phút.

Vị trí huyệt khí hải: Từ rốn đo thẳng xuống dưới 1,5 thốn hoặc từ điểm giữa bờ trên xương mu đo thẳng lên 3,5 thốn.

Day ấn huyệt túc tam lý: Dùng hai ngón tay cái day ấn đồng thời hai huyệt túc tam lý trong 1 phút.

Vị trí huyệt túc tam lý: Sờ bờ trước xương ống chân (mào xương chày) từ cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra 1 khoát ngón tay (1 khoát tương đương với 1 thốn) là vị trí của huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.

Day ấn huyệt phong long: Dùng hai ngón tay cái day ấn đồng thời hai huyệt phong long trong 1 phút.

Vị trí huyệt phong long: Ở trên mắt cá ngoài 8 thốn.

Theo suckhoedoisong.vn