Theo Bệnh viện Da liễu T.Ư, ung thư tế bào hắc tố là loại bệnh lý ác tính phát triển từ các tế bào hắc tố - tế bào chịu trách nhiệm sản xuất melanin, sắc tố tạo màu da. Thống kê một số nước cho thấy tỷ lệ mắc bệnh tăng gấp đôi sau 10 - 15 năm và tăng dần theo tuổi. Ở VN, tỷ lệ này là 0,4/100.000 dân.

Ung thư tế bào hắc tố ít gặp hơn các loại ung thư da khác (khoảng 1% trong các ung thư da), nhưng là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp tử vong liên quan ung thư da do tính chất xâm lấn và khả năng di căn nhanh, có thể di căn đến mọi vị trí trên cơ thể, hay gặp nhất là ở não, phổi, gan.

Nếu được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ thì cho kết quả tốt, tỷ lệ sống 5 năm trên 90%. Với các khối u xâm lấn sâu hơn, tỷ lệ sống 5 năm dao động từ 50 - 90% tùy thuộc độ dày, loét da và tỷ lệ phân chia tế bào của khối u ác tính. Khi khối u đã di căn hạch vùng, tỷ lệ sống 5 năm sẽ giảm nhiều, dao động từ 20 - 70%. Tỷ lệ sống 5 năm của ung thư hắc tố da đã di căn xa là khoảng 10%.

 

Nhận biết dấu hiệu ung thư hắc tố da- Ảnh 1.

Tổn thương do ung thư tế bào hắc tố

NGUYỄN HƯƠNG

"Ở người châu Á, ung thư hắc tố hay gặp ở lòng bàn tay, bàn chân, chiếm khoảng 50% các trường hợp. Đa số bệnh nhân ung thư hắc tố chúng tôi điều trị cũng đều là trường hợp tương tự", một chuyên gia của Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết.

Ung thư hắc tố khởi đầu là một vùng da tăng sắc tố màu sắc không đồng nhất, màu nâu xen kẽ màu đen xám, giới hạn không rõ ràng, không đau, không ngứa. Thương tổn lan rộng có thể gây loét hoặc xuất hiện các khối u nổi cao.

Đa phần bệnh xuất hiện trên các tổn thương tăng sắc tố ở các vùng da bị tì đè, cọ xát. Các khối u ác tính ở giai đoạn đầu thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nên dễ bị bỏ qua, không được để ý tới.

Lưu ý, nốt ruồi ở một số vị trí dễ sang chấn như bàn tay, bàn chân, hay vùng cạo râu có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư tế bào hắc tố, nên cắt bỏ sớm nốt ruồi ở những vị trí này.

Nên kiểm tra các tổn thương bất thường trên cơ thể nhận biết những dấu hiệu sớm của ung thư tế bào hắc tố: nốt ruồi hoặc vết tăng sắc tố không có hình dạng đối xứng; bờ tổn thương không đều, lởm chởm hoặc mờ; màu sắc không đều, có thể bao gồm nhiều màu sắc khác nhau như đen, nâu và thậm chí đỏ hoặc xanh; đường kính thương tổn lớn hơn 6 mm; tổn thương thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc theo thời gian.

Theo Thanh niên