1. Thế nào là gãy xương gò má?

Xương gò má là xương chính cấu trúc tạo nên hình dáng khuôn mặt. Xương gò má dày, khỏe, gồm 3 mặt, 4 bờ và 3 góc, tiếp khớp với bốn xương: xương trán, xương thái dương, cánh lớn xương bướm và xương hàm trên bằng bốn khớp là khớp trán gò má, khớp bướm gò má và khớp thái dương gò má.

Xương gò má vừa là chỗ bám của một số cơ mặt, vừa góp phần tạo nên sàn và thành ngoài ổ mắt, nên mọi thay đổi về hình thể, vị trí của xương gò má đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của mắt. Xương gò má còn có liên quan chặt chẽ với các dây thần kinh: dây thần kinh mặt, dây thần kinh hàm...

Gãy xương gò má là một chấn thương nguy hiểm khi xương gò má bị va đập vào các vật cứng khi tai nạn, té ngã làm bệnh nhân đau nhức, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tác động đến chức năng của vùng hàm mặt…

Nhận biết và điều trị gãy xương gò má - Ảnh 2.

Gãy xương gò má ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt.

2. Nguyên nhân bị gãy xương gò má

Đây là chấn thương thường gặp, nhất là gãy xương gò má cung tiếp. Nguyên nhân do xương gò má bị va đập mạnh vào vật cứng khi bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động…

Gãy xương gò má được phân thành:

 Loại 1: Gãy xương gò má thể nhẹ, có biểu hiện di lệch xương nhưng không đáng kể.

- Loại 2: Gãy cung Zygoma.

- Loại 3: Xương gò má lún xuống dưới và có di lệch vào trong tuy nhiên không bị xoay trục.

- Loại 4: Gãy xương gò má, bị di lệch xoay vào bên trong.

- Loại 5: Gãy xương bị di lệch xương ra bên ngoài.

- Loại 6: Gãy xương gò má phức tạp: có 3 mảnh gãy trở lên.

3. Biểu hiện của gãy xương gò má

Bệnh nhân bị gãy xương gò má có những đặc điểm:

- Khuôn mặt bị sưng nề. Mặt biến dạng một bên, vùng gò má bị lõm. Vùng dưới xương gò má và xung quanh mắt bị sưng và bầm tím.

- Xuất hiện hiện tượng nhìn một thành hai (song thị), nhìn mờ, không rõ ràng.

- Bệnh nhân há miệng bị hạn chế và có cảm giác bị đau nhức, khó chịu.

- Có thể chảy máu mũi do tổn thương niêm mạc xoang sàng.

- Tụ máu ở ngách lợi.

- Đuôi mắt bị tụ máu.

- Khi ấn vào có điểm đau nhói hoặc sờ thấy khuyết bậc thang.

4. Bị gãy xương gò má có nguy hiểm không? 

Khi bị gãy xương gò má, ngoài yếu tố thẩm mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề: lõm mắt, lạc chỗ mi mắt ngoài, song thị, mất cảm giác ở vùng dây thần kinh dưới ổ mắt, viêm xoang hàm tái diễn...

Không chỉ đơn thuần gây đau nhức, gãy xương gò má còn tác động rất lớn đến chức năng của vùng hàm mặt cũng như các bộ phận khác như mũi, mắt, tai…

5. Phương pháp điều trị

Nguyên tắc điều trị gãy xương gò má là nắn chỉnh và cố định lại phần xương gò má bị gãy, ngăn ngừa biến chứng và phục hồi chức năng, đảm bảo tính thẩm mỹ cho người bệnh. 

Đây là bệnh lý rất phức tạp nên bác sĩ cần thực hiện một số xét nghiệm: chụp X quang để có chẩn đoán chính xác. Sau đó căn cứ vào bệnh án bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Trong trường hợp gãy không di lệch hoặc di lệch ít, không mấy ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ bác sĩ có thể chỉ định điều trị bảo tồn: điều trị nội khoa. Một số dụng cụ để nắn chỉnh được bác sĩ sử dụng:

- Dùng cây bóc tách: đi đường trong miệng và qua ngách tiền đình để nắn xương gò má bị gãy.

 - Dùng sonde sắt: đi xuyên vào trong xoang để nắn chỉnh xương gò má.

- Dùng móc loại lớn: đi xuyên qua da và luồn dưới thân xương kéo nắn chỉnh xương gãy.

- Rạch một đường ở vùng thái dương, luồn cây bóc tách xuống để nắn xương gò má.

Bác sĩ sẽ chỉ định thực phẫu thuật khi gãy xương gò má bị di lệch nhiều: bác sĩ tiến hành rạch da và niêm mạc để bộc lộ vùng xương gò má bị gãy, sau đó, nâng chỉnh các mảnh xương gò má gãy về đúng vị trí ban đầu rồi dùng nẹp vít nhỏ hoặc chỉ thép phẫu thuật cố định xương bị gãy lại.

photo-1668506236895

Gãy xương gò má là bệnh lý phức tạp vùng hàm mặt.

Trong trường hợp khớp cắn sai do sự di lệch xương, bác sĩ sẽ thực hiện chỉnh đóng khớp cắn. Nhiều trường hợp sẽ cần kết hợp với nắn chỉnh cố định bằng cung móc. 

Sau đó người bệnh được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc chống viêm, kháng sinh toàn thân và thuốc giảm đau. 

Tuy nhiên, phẫu thuật gãy xương gò má có thể gặp một số rủi ro: nhiễm trùng, phù nề, loét miệng… người chăm sóc bệnh nhân cần đặc biệt lưu tâm và cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu có biểu hiện bất thường sau phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần ở lại bệnh viện ít nhất 3 ngày để theo dõi và dùng thuốc.

Những dấu hiệu cần tái khám ngay: Chảy máu, chảy mủ, sưng nề vết mổ nhiều, sốt cao liên tục không giảm; Đau nhức nhiều, hàm răng cắn lệch, không ăn nhai được; Không há được miệng, há miệng hạn chế…

Theo suckhoedoisong.vn