1.Nhiễm trùng cơ hội là gì?

Nhiễm trùng cơ hội (OI) nhằm chỉ các căn bệnh nhiễm trùng xuất hiện thường xuyên hoặc liên tục trên người có hệ miễn dịch yếu.

Tác nhân gây ra nhiễm trùng OI thường là virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Những tác nhân này thường không gây ảnh hưởng gì đối với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, nhưng khi hệ miễn dịch suy giảm, sẽ tạo ‘cơ hội’ thuận lợi để các tác nhân gây bệnh. Điều này có nghĩa là, các tác nhân gây bệnh tận dụng thời điểm hệ miễn dịch suy giảm để xâm nhập và tấn công cơ thể, gây ra nhiều tổn thương.

Nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội được coi là tình trạng xác định AIDS. Nghĩa là nếu một người nhiễm HIV có một trong những tình trạng này, họ được chẩn đoán mắc AIDS, giai đoạn nhiễm HIV nghiêm trọng nhất.

Các loại thuốc điều trị HIV ngày nay (được gọi là liệu pháp kháng retrovirus hoặc ART) làm giảm lượng HIV trong cơ thể và giữ cho hệ thống miễn dịch mạnh hơn, có khả năng chống lại nhiễm trùng tốt hơn.

photo-1664877087441

Nhiễm virus Herpes simplex 1 (HSV-1), có thể gây ra vết loét trên môi và miệng…

Các bệnh nhiễm trùng cơ hội hiện nay ít phổ biến hơn so với những ngày của thời kỳ đầu dịch HIV/AIDS, khi chưa có phương pháp điều trị. Tuy nhiên, một số người nhiễm HIV vẫn phát triển nhiễm trùng cơ hội, vì các lý do như:

  • Không biết mình bị nhiễm HIV và vì vậy không được điều trị
  • Biết mình bị nhiễm HIV nhưng không điều trị ARV
  • Đã nhiễm HIV trong một thời gian dài trước khi được chẩn đoán và do đó hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu
  • Đang dùng ART, nhưng vẫn chưa đạt được sự ức chế virus…

2. Một số bệnh nhiễm trùng cơ hội phổ biến nhất

Một số bệnh nhiễm trùng cơ hội phổ biến nhất ở người nhiễm HIV là:

  • Nhiễm virus Herpes simplex 1 (HSV-1), có thể gây ra vết loét trên môi và miệng
  • Nhiễm Salmonella, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến đường ruột
  • Bệnh nấm Candida, một bệnh nhiễm nấm ở miệng, phế quản, khí quản, phổi, thực quản hoặc âm đạo
  • Toxoplasmosis, một bệnh nhiễm ký sinh trùng có thể ảnh hưởng đến não
  • Viêm phổi do Pneumocystis (PCP), một bệnh nhiễm trùng phổi do nấm (Pneumocystitis jirovecii)
  • Bệnh lao, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến phổi và cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như thận, não, da, hạch bạch huyết và mắt.

3.Nguyên nhân nào gây ra nhiễm trùng cơ hội?

Các bệnh nhiễm trùng cơ hội do nhiều loại vi trùng (virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng) gây ra. Những vi trùng này lây lan theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như trong không khí, trong dịch cơ thể, hoặc trong thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Chúng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khi hệ thống miễn dịch của một người bị suy yếu do HIV.

4. Ai có nguy cơ bị nhiễm trùng cơ hội?

Những người nhiễm HIV có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cao nhất khi số lượng tế bào CD4 chống lại nhiễm trùng của họ giảm xuống dưới 200.

Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm trùng cơ hội có thể xảy ra khi số lượng CD4 của một người dưới 500. Đó là do hệ thống miễn dịch suy yếu khiến cơ thể khó khăn hơn chống lại các bệnh nhiễm trùng cơ hội liên quan đến HIV.

5. Làm thế nào bạn có thể ngăn ngừa nhiễm trùng cơ hội?

photo-1664877089897
 

Uống thuốc ART đều đặn mỗi ngày giúp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Đối với người nhiễm HIV, điều tốt có thể làm để giữ sức khỏe và ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng cơ hội là uống thuốc ART đều đặn, chính xác theo quy định, để giữ cho tải lượng virus ở mức không thể phát hiện.

Điều quan trọng nữa là phải tiếp tục được chăm sóc y tế về HIV và thực hiện các xét nghiệm đều đặn. Điều này sẽ cho phép bạn và bác sĩ biết khi nào bạn có thể có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và trao đổi về các cách để ngăn ngừa.

Một số cách người nhiễm HIV có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội bao gồm:

  • Tránh tiếp xúc với nước và thực phẩm bị ô nhiễm
  • Dùng thuốc để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng cơ hội nhất định nếu CD4 của bạn dưới 200
  • Chửng ngừa một số bệnh nhiễm trùng có thể phòng ngừa được
  • Đi du lịch an toàn…

6. Nhiễm trùng cơ hội có thể được điều trị?

Nếu bạn phát triển nhiễm trùng cơ hội, có các phương pháp điều trị như thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh và kháng nấm... Các thuốc này sẽ được bác sĩ kê đơn phụ thuộc vào từng loại nhiễm trùng cơ hội mà bạn mắc.

Theo suckhoedoisong.vn