Các nhà khoa học từ Singapore và Anh gần đây đã kết thúc quá trình đánh giá nghiên cứu y khoa từ những năm 1940 và đã tìm bằng chứng cho thấy nhiệt độ ảnh hưởng đến hormone và hệ thống nội tiết - hệ thống chịu trách nhiệm tạo ra và giải phóng các hormone trong cơ thể con người.

leftcenterrightdel
 Các nhà khoa học từ Singapore và Vương quốc Anh đã tìm thấy bằng chứng về nhiệt độ ảnh hưởng đến hormone và hệ thống nội tiết. ẢNH: ST FILE

Các nghiên cứu được thực hiện trong những năm gần đây nhằm xem xét tác động của nhiệt lên hormone – chất hóa học điều phối và ảnh hưởng đến hàng trăm quá trình trong cơ thể.

Phó giáo sư Jason Lee từ Trường Y Yong Loo Lin thuộc NUS (NUS Medicine) cho biết, đối với phụ nữ mang thai, dữ liệu cho thấy nhiệt độ làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ nhẹ cân, thai chết lưu và tiểu đường thai kỳ.

Nguyên nhân có thể là do tình trạng viêm và lưu lượng máu đến tử cung giảm vì nhiều máu được chuyển đến da để giúp cơ thể hạ nhiệt.

Hormone từ insulin đến estrogen, đóng vai trò trong hầu hết mọi chức năng sinh học, bao gồm kiểm soát lượng đường trong máu và khả năng sinh sản, cũng như mọi giai đoạn quan trọng của cuộc sống, như tuổi dậy thì và mang thai.

Nhóm nghiên cứu từ Singapore và Anh đã xem xét nhiều thập kỷ dữ liệu y tế để kiểm tra những tác động của nhiệt độ và thúc đẩy nhiều nghiên cứu hơn về tác động lâu dài của nó đối với hệ thống nội tiết, trong bối cảnh nhiệt độ ngày càng tăng cao và biến đổi khí hậu.

Giáo sư Fadil Hannan từ Khoa Sức khỏe Phụ nữ và Sinh sản Nuffield thuộc Đại học Oxford - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Chúng ta biết rất ít về việc liệu tiếp xúc với nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nội tiết hay không? Điều này đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân sống ở vùng có khí hậu nóng, những người có thể không được tiếp cận với môi trường mát mẻ".

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Nature Reviews Endocrinology vào ngày 30/ 7. Bài báo còn nêu rằng việc tiếp xúc với nhiệt độ cao ngay từ khi còn nhỏ, có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của trẻ.

Trong thí nghiệm trên chuột, khi một con chuột mang thai tiếp xúc với nhiệt độ 43 độ C trong 15 phút sẽ sinh ra những đứa con bị dị tật não, liên quan đến kích thước tuyến thượng thận nhỏ hơn - tuyến nằm trên thận sản xuất ra nhiều loại hormone.

Giáo sư Melvin Leow, cố vấn cấp cao tại Bệnh viện Tan Tock Seng, người cũng tham gia nghiên cứu, cho biết nhiệt độ cao và bệnh tiểu đường có thể liên quan theo cách sau: Căng thẳng do nhiệt làm tăng lưu thông steroid từ tuyến thượng thận, và khiến gan sản xuất nhiều glucose hơn.

Điều này làm thay đổi sự phân bố mỡ trong cơ thể và làm tăng tình trạng kháng insulin.

Tiến sĩ Leow - phó giáo sư tại Khoa Y của NUS - cho biết: "Đây là một trong những con đường được đưa ra để làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhưng sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn trên người để xác định và định lượng mức độ rủi ro này".

Theo phụ nữ TPHCM