Theo dữ liệu chính thức, khoảng 621 triệu người chạy như một sở thích hoặc môn thể thao, và hơn 11 tỷ đô la được chi cho thiết bị chạy bộ. Thông tin này rất đáng khích lệ và nó cho thấy mức độ quan tâm của mọi người đến hoạt động thể chất. 

Chạy bộ là bộ môn thể thao tiết kiệm và có thể dễ dàng thực hiện ở mọi nơi nên có rất nhiều người chọn bộ môn này là hình thức tập thể dục thường xuyên. Tuy nhiên cũng vì vậy mà nhiều quan niệm sai lầm nảy sinh khiến cho việc chạy bộ vốn lành mạnh lại trở thành gây hại chỉ vì hiểu sai dẫn đến tập không đúng.

Dưới đây là 7 lầm tưởng nhiều người mắc sẽ được trang tin Brighside "lật tẩy".

1. Chạy bộ chưa chắc sẽ giúp bạn giảm cân

Chạy bộ thực sự là một trong những cách tốt nhất để tăng cường sức mạnh cho trái tim và cải thiện tâm trạng cũng như chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, đó không phải là bài tập tốt nhất khi mục tiêu chính của bạn là giảm cân. Đó là bởi vì hoạt động này khiến mọi người lầm tưởng sẽ đốt cháy được một lượng lớn calo. Nhưng thực tế không ít người sau khi chạy bộ lại tiêu thụ nhiều calo hơn sau đó và cuối cùng sẽ lấy lại tất cả những gì họ vừa đốt cháy.

Nếu mục tiêu duy nhất của bạn là giảm cân, bạn nên tập trung vào luyện tập cường độ cao. Đạp xe, các bài tập rèn luyện sức mạnh với cường độ thấp đều có thể rất hữu ích. Đó là bởi vì chúng thay đổi tốc độ của bạn và khiến cơ thể bạn đốt cháy nhiều calo hơn trong khi tập từ cường độ thấp đến cường độ cao.

2. Chạy nhanh hơn sẽ không khiến bạn trở thành người chạy tốt hơn

Một số người cho rằng bạn cần phải tiếp tục tăng tốc độ mỗi khi chạy để có thể chạy với tốc độ nhanh hơn. Tuy nhiên, điều này có thể nguy hiểm vì nó dễ dẫn đến thương tích. Chạy nhanh hơn mức có thể sẽ khiến cơ thể bạn phải chịu sự căng thẳng quá mức để duy trì mức độ cao đó.

Tốt nhất bạn nên tăng tốc độ lên một chút rồi giảm tốc độ xuống một chút. Điều này sẽ giúp bạn tăng sức chịu đựng của mình trong các cuộc chạy đua nếu như bạn đang cố cải thiện sức bền khi chạy. 

3. Chạy sẽ không làm hỏng đầu gối của bạn

Sự thật là đầu gối có thể được hưởng lợi từ việc chạy và chúng thậm chí còn khỏe hơn về lâu dài. Nhiều nhà khoa học cho biết những người chạy bộ trong phần lớn cuộc đời của họ có thể có đầu gối khỏe hơn những người chưa bao giờ thực hành hoạt động này. Không chỉ vậy, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người chạy marathon có tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp gối bằng một nửa so với người đi bộ.

Và vì đầu gối của chúng ta không bị cong hoặc vặn quá nhiều trong khi chạy, nên nó có thể được coi là một bài tập khá an toàn. Hãy nhớ rằng nhiều chấn thương gây đau hơn khi chạy là do mất cân bằng cơ - đó không phải là vấn đề về đầu gối.

4. Bạn không cần phải giãn cơ trước

Có một niềm tin rằng căng cơ trước khi chạy có thể ngăn ngừa chấn thương, nhưng điều đó không có bằng chứng khoa học. Cũng không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng việc kéo căng cơ sẽ làm cho hiệu suất của bạn tốt hơn. Những gì chúng ta biết là các động tác giãn cơ có lợi trước khi bạn chạy marathon. Những động tác kéo căng này bao gồm nhảy cao đầu gối, xoay chân sang một bên, ngồi xổm và đi bộ xung quanh.

5. Đi bộ nghỉ giải lao vẫn được coi là chạy

Sự thật là dừng chạy và chuyển sang đi bộ ngắn trong khi chạy sẽ giúp các khớp của bạn được nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng. Không chỉ vậy, bạn có thể tăng cường sức bền của mình bằng cách chạy hoặc chạy nước rút nhỏ và sau đó thực hiện đi bộ. Đối với những người chạy ở cấp độ cao hơn, đi bộ đường dài là một ý tưởng hoàn hảo cho những ngày phục hồi của họ.

Đối với những người chưa quen với việc chạy bộ, bạn có thể bắt đầu bằng cách đi bộ và từ từ tăng tốc độ rồi chuyển dần sang chạy. 

6. Cân nặng của bạn không liên quan gì đến khả năng chạy bộ

Mặc dù những người nhẹ cân hơn đôi khi có thể nhanh hơn, nhưng điều này không có nghĩa là những người nặng cân hơn không thể chạy hiệu quả. Cân nặng không phải là yếu tố quan trọng vì ngay cả những người rất mảnh mai cũng có thể bị chậm do thiếu khối lượng cơ. Đó là lý do tại sao những người nặng hơn, với một tỷ lệ phần trăm khối lượng cơ tốt, có thể chạy nhanh hơn những người gầy hơn họ. Ngoài ra, tỷ lệ phần trăm chất béo trong cơ thể đóng một vai trò quan trọng trong hiệu suất tổng thể của bạn và chỉ vì cân nặng cao hơn, không có nghĩa là bạn béo.

7. Người chạy bộ cần rèn luyện sức mạnh

Nếu bạn muốn cải thiện hiệu suất và khả năng chịu đựng của mình, thì bạn nên bắt đầu tập luyện sức mạnh cho chân và phần trên cơ thể. Làm như vậy, bạn đang tự giúp mình ngăn ngừa chấn thương và cải thiện năng lượng của cơ bắp. Ngoài ra, bạn cũng sẽ giải quyết được sự mất cân bằng cơ có thể dẫn đến chấn thương và khiến bạn khó chạy.

HOÀNG DƯƠNG