Khái niệm “Tokophobia”, nghĩa là nỗi sợ hãi, tâm lý bất ổn trước cơn đau lúc sinh con, trước đây không được nghiên cứu nhiều ở Hoa Kỳ. Nhưng một cuộc điều tra gần đây cho thấy, đây là hiện tượng có thể rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ da màu và các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn.

Khi tiến sĩ Zaneta Thayer, nhà nhân chủng học tại Đại học Dartmouth, bang New Hampshire, Hoa Kỳ, hỏi các sinh viên của bà rằng những khái niệm nào xuất hiện trong tâm trí khi họ nghĩ về việc sinh nở, hầu hết câu trả lời đều tiêu cực: cơn đau, tiếng thét, máu, hoảng sợ. 

leftcenterrightdel
 Y tá Bernadette Canezo trao đứa bé vừa chào đời cho người mẹ Kimberly Munoz tại một bệnh viện ở Edinburg, bang Texas. Nỗi đau khi sinh con trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ – Ảnh: Getty Images

Nhưng đến khi bà Thayer hỏi các sinh viên rằng có ai đã chứng kiến khoảnh khắc một người phụ nữ sinh con chưa, hầu hết đều trả lời không. Từ đây, tiến sĩ Thayer bắt đầu một nghiên cứu để đánh giá mức độ phổ biến của hội chứng “Tokophobia”, thuật ngữ y học chỉ chứng sợ hãi khi sinh con.

Theo đó, khái niệm “Tokophobia” đã được nghiên cứu kỹ lưỡng ở các nước thuộc bán đảo Scandinavi, có nơi phát triển cả phương pháp sàng lọc bà bầu và cách điều trị, nhưng có rất ít nghiên cứu tương tự ở Hoa Kỳ. Tiến sĩ Thayer đã tiến hành khảo sát trên gần 1.800 phụ nữ Mỹ với kết quả 62% phụ nữ mang thai chia sẻ trải nghiệm sợ hãi và lo lắng cao độ trước ngày sinh nở lúc mới bùng dịch COVID-19.

Kết quả nghiên cứu của bà Thayer đã được công bố trên tạp chí Evolution, Medicine, and Public Health. Các nhà khoa học khác nhận định, mức độ sợ hãi ở Hoa Kỳ cao hơn so với mức được ghi nhận trong báo cáo ở châu Âu và Úc là 20%. 

Bà Karen Rosenberg, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Delaware ở bang cùng tên cho biết, hội chứng sợ sinh con có thể là một hành vi thích nghi được phát triển trong quá trình tiến hóa, khiến phụ nữ tìm kiếm sự trợ giúp và hỗ trợ về mặt tinh thần trong quá trình chuyển dạ.

Đồng quan điểm, bà Wenda Trevathan, nhà nhân chủng học tại Trường Nghiên cứu Cao cấp ở thành phố Santa Fe, bang New Mexico cho biết: “Các loài động vật khác có thể sinh con trong bối cảnh xã hội, nhưng con người là loài linh trưởng duy nhất chủ động tìm kiếm và thường xuyên tìm kiếm sự trợ giúp tích cực khi sinh nở”. 

Tuy nhiên, nỗi sợ hãi đó cũng có thể khiến một số phụ nữ muốn được mổ lấy thai dù không cần thiết, hoặc không muốn mang thai. Các bà mẹ da màu, những người phải đối mặt với nguy cơ tử vong vì biến chứng khi sinh cao gần gấp 3 lần, cũng sợ sinh con hơn gần gấp đôi so với các bà mẹ da trắng.

Một bà bầu da màu cho biết: “Phụ nữ da đen có nhiều khả năng bị biến chứng hoặc tử vong khi sinh con hơn”, đồng thời chia sẻ nỗi lo khi nghĩ đến cảnh mình lâm bồn mà không có người hỗ trợ: “Ai sẽ lên tiếng cho tôi?”.

Cũng theo nghiên cứu trên, những phụ nữ mắc hội chứng “Tokophobia” có khả năng sinh non, hoặc sinh con khi thai nhi chưa được 37 tuần tuổi, cao gần gấp đôi. Trẻ sinh non chịu nhiều rủi ro sức khỏe, cũng như nguy cơ tàn tật và tử vong cao hơn.

Nghiên cứu cũng phát hiện mối liên hệ giữa hội chứng “Tokophobia” và tỷ lệ trầm cảm sau sinh, cũng như khả năng người mẹ thiếu sữa và phải sử dụng sữa công thức để bổ sung cho con bú cao hơn. 

Tại Hoa Kỳ, phụ nữ da màu có tỷ lệ sinh non cao hơn bất kỳ chủng tộc hoặc sắc tộc nào khác, hơn khoảng 50% so với phụ nữ da trắng. Khoảng 14% trẻ sơ sinh da màu sinh non, so với hơn 9% trẻ sơ sinh da trắng và gốc Tây Ban Nha.

Tiến sĩ Thayer cho biết, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc sinh non với tâm lý căng thẳng nói chung của người mẹ, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên tìm thấy mối liên hệ với hội chứng “Tokophobia”.

Theo phụ nữ TPHCM