Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó Khoa Phụ sản bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, viêm nhiễm âm đạo do nấm là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ. Trong đó, nhiễm trùng do nấm Candida (nhiễm trùng nấm men) là một trong những bệnh phụ khoa phổ biến nhất ở chị em, gây ngứa ngáy vùng kín, ra khí hư và có nguy cơ viêm âm đạo.
Trong âm đạo người phụ nữ đã có sẵn những bào tử nấm. Chúng không gây bệnh nhưng chỉ chờ cơ hội để phát triển thành bệnh. Ví dụ, một phụ nữ bị bệnh và trải qua đợt điều trị kháng sinh, lúc này các lợi khuẩn trong môi trường âm đạo sẽ bị giết chết, gây mất cân bằng độ pH. Hoặc sau khi ốm dậy, cơ thể phụ nữ cũng bị suy giảm sức đề kháng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để vi nấm có sẵn bắt đầu gây bệnh.
Sử dụng kháng sinh không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây ra nấm phụ khoa. Chị em đang đi vào một vòng lẩn quẩn như sau: khi bị cảm, ho, sốt... sẽ tự ra nhà thuốc nhờ dược sĩ kê đơn, trong đơn thuốc thường có kháng sinh. Sau khi uống thuốc xong, chị em cảm thấy ngứa ngáy lại tiếp tục ra nhà thuốc mua viên đặt âm đạo. "Cứ như vậy vi nấm sẽ ngày càng kháng thuốc, rất dễ tái phát và chuyển sang mãn tính. Thực tế tỷ lệ tái nhiễm nấm ở phụ nữ Việt Nam ngày càng tăng", bác sĩ Thắm chia sẻ.
Song song đó, việc sử dụng băng vệ sinh trong chu kỳ không đúng cách cũng là nguyên nhân khiến cho vi nấm dễ dàng phát triển và gây hại cho người phụ nữ.
Hiện nay, cách chữa trị ở các bệnh viện hay phòng khám là cho bệnh nhân sử dụng viên đặt bổ sung lợi khuẩn để cân bằng lại hệ sinh thái trong môi trường âm đạo. Với các bệnh nhân nặng hơn thì phải làm kháng nấm đồ (lên phác đồ điều trị).
|
Trang phục chất liệu thoáng mát, nhẹ nhàng giúp chị em thoải mái vận động, chế độ ăn bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất để tăng cường lợi khuẩn cho cơ thể. |
Cách phòng
Bác sĩ Thắm chỉ rõ, khi bị viêm nhiễm, chị em sẽ thấy ra khí hư nhiều, mùi hôi, màu sắc trắng đục hoặc vàng xanh... Có thể bị ngứa ngáy ở các mức độ khác nhau, kèm theo nóng rát, nhất là khi có quan hệ tình dục. Nhiễm nấm âm đạo hay bất kỳ bệnh phụ khoa nào đều khiến chị em trở nên mất tự tin, bị ảnh hưởng tâm lý, lo lắng, bất a.
Bác sĩ cũng lưu ý, vào ngày "đèn đỏ", phụ nữ, nhất là những người có tiền sử bị nhiễm nấm phải càng chú ý hơn trong việc giữ vệ sinh. Vì vào những ngày này, các loại vi khuẩn sẽ hoạt động mạnh mẽ nhờ môi trường ẩm ướt của chất lỏng và một phần từ sự hầm bí của các sản phẩm băng vệ sinh. Vì thế, việc chăm sóc sức khỏe đúng cách vào ngày "đèn đỏ" sẽ giúp chị em ngừa bệnh phụ khoa hiệu quả. Cụ thể như thay băng vệ sinh 4-6 tiếng một lần dù băng có khô, không ẩm ướt vẫn phải thay, tránh cho vi khuẩn có điều kiện phát triển. Vệ sinh sạch sẽ bằng nước sạch hoặc nước muối loãng, tránh lạm dụng các sản phẩm rửa và không được dùng xà bông. Chọn sử dụng những sản phẩm băng vệ sinh có khả năng thoáng khí tốt và bề mặt giữ khô thoáng trong suốt thời gian sử dụng.
Ngoài ra, chị em nên mặc quần áo thoải mái, chất liệu thoáng mát, nhẹ nhàng, không hầm bí; chế độ ăn bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất để tăng cường lợi khuẩn. Quan trọng hơn hết, mỗi người cần lắng nghe cơ thể và theo dõi những triệu chứng. Nếu có dấu hiệu bất thường như khí hư nhiều, đặc, hôi, ngứa ngáy... thì phải đi khám phụ khoa ngay.
Gần 20 năm công tác tại khoa sản - phụ khoa, bác sĩ Hồng Thắm cho biết có 80% phụ nữ chỉ đợi đến khi có triệu chứng mới đi khám, giống như quá ngứa, quá đau thì mới bắt đầu tìm đến bệnh viện. Trong số này, có nhiều trường hợp đã được bác sĩ kê đơn, chẩn bệnh và hướng dẫn rồi nhưng thường không tuân theo với lý do là không đủ thời gian, quá bận rộn gia đình và công việc.
20% còn lại là những phụ nữ có ý thức khám phụ khoa định kỳ. Có nhiều trường hợp lo lắng quá mức khi thấy huyết trắng nhưng đó chỉ là biểu hiện sinh lý thông thường của phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. "Quan trọng nhất là cần xây dựng thói quen bảo vệ cơ thể mình, không đợi tới khi cơ thể lên tiếng, có vấn đề mới tìm gặp bác sĩ thì chi phí cho việc chữa trị sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian hơn", bác sĩ chia sẻ.
Theo vnexpress