Chứng trầm cảm sau sinh của phụ nữ tăng cao trong đại dịch. Ảnh: Wexnermedical.

Mariejose Fichtner (sống tại Mỹ) mắc chứng trầm cảm sau sinh. Cô xấu hổ thừa nhận vào khoảng tháng 4 vừa rồi, tức khoảng 2 tháng rưỡi sau khi sinh đứa con thứ hai, cô từng mong mình nhiễm Covid-19. Vì ít ra khi đó, cô sẽ có vài tuần dành cho bản thân mình.

Dù Fichtner là một nhà trị liệu, hiểu những tổn thương tâm lý thời kỳ hậu sản cũng như đã có sẵn các phương án hỗ trợ nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, mọi sự chuẩn bị dường như vô ích.

Thời điểm này, cô vừa cố gắng để chăm sóc cho đứa mới sinh, vừa dạy dỗ đứa lớn 5 tuổi tự học tại nhà. Fichtner choáng ngợp khi nhận ra mình còn quá nhiều thiếu sót trong vai trò làm mẹ. Điều đó làm cho cô thấy tội lỗi tột cùng và thất vọng về bản thân mình. Cô thấy mình liên tục gặp thất bại.

Sinh nở trong đại dịch

Các vấn đề về tâm trạng trong vòng 7 ngày sau khi sinh, đặc biệt là trầm cảm sau sinh (PPD) và lo lắng sau sinh (PPA), là những biến chứng phổ biến của việc sinh con ngay cả trong những thời điểm tốt nhất.

Ở Mỹ, cứ 8 phụ nữ thì sẽ có 1 người bị ảnh hưởng bởi PPD. Một số nghiên cứu cho thấy PPA thậm chí còn phổ biến hơn.

Do Covid-19 chỉ tấn công vào Mỹ vài tháng trước, nên còn quá sớm cho bất kỳ nghiên cứu toàn diện nào về chẩn đoán trầm cảm sau sinh và lo lắng sau sinh trong đại dịch.

Tuy nhiên, các chuyên gia thường xuyên điều trị cho phụ nữ có vấn đề về sức khỏe tâm thần sau sinh nhận thấy có sự gia tăng rõ rệt tỷ lệ trầm cảm và lo lắng ở nhóm đối tượng này.

Tỷ lệ các cuộc gọi của sản phụ về sức khỏe tâm thần tăng lên trong đại dịch. - Ảnh: Phawellness.

Paige Bellenbaum, giám đốc đối ngoại của Motherhood Center, một phòng khám sức khỏe tâm thần có trụ sở tại New York (Mỹ) cho biết: "Các cuộc gọi đến trung tâm hàng ngày đã tăng gấp đôi ngay từ tháng 3. Số lượng cuộc gọi thậm chí đã tăng gấp 3 vào tháng 5 và 6. Không chỉ dừng lại ở gọi điện, các bà mẹ còn đổ xô tìm đến những nhóm hỗ trợ của chúng tôi”.

Thậm chí, nhiều phụ nữ ở nước ngoài cũng tìm đến trung tâm của Bellenbaum để được tư vấn.

Các vấn đề về sức khỏe tâm thần sau sinh đến từ nhiều nguyên nhân.

Một phần là do sự rối loạn nội tiết tố mà phụ nữ gặp phải sau sinh. Mặt khác, phụ nữ sau sinh còn chịu những thách thức nhất định về mặt tâm lý do phải cố giữ nhịp điệu sinh hoạt bình thường trong khi bản thân rất dễ tổn thương và được ngủ rất ít.

Sinh con trong đại dịch quả thực vất vả hơn bình thường. Dù mọi người trong gia đình may mắn đều khỏe mạnh, kinh tế không bị ảnh hưởng do dịch, việc này cũng không hề dễ dàng.

Kate Kripke, người sáng lập Trung tâm chăm sóc sức khỏe sau sinh Colorado cho biết sau khi sinh con, phụ nữ thường ít dành thời gian chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình.

Kripke thường xuyên nhận được lời phàn nàn từ các sản phụ, rằng họ không thể tìm được ai giúp chỉ vì Covid-19. "Dường như đại dịch này khiến cho phụ nữ càng dễ mắc phải trầm cảm sau sinh hơn", cô nhận định.

Căng thẳng chồng chất

Vào thời điểm các ca nhiễm Covid-19 tăng ở mức kỷ lục, Kristen (sống tại bang Pennsylvania, Mỹ) sinh bé thứ 2. Cô bắt đầu lo lắng từ khi chuẩn bị vào phòng sinh. Chồng Kristen được phép ở bên cạnh cô.

Trong khi đó, các nhân viên y tế vẫn còn khá lạ lẫm với các biện pháp an toàn trong mùa dịch, lại đứng khá gần nhau và tiếp xúc qua lại khi hộ sinh cho cô.

Sự căng thẳng của Kristen tăng lên khi cô được về nhà. Cô cố gắng cân bằng giữa nhu cầu của đứa con lớn và đứa mới sinh, với sự giúp đỡ của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, 9 người 10 ý, họ còn thường cho rằng vợ chồng Kristen đang phản ứng thái quá về đại dịch hay đổ lỗi cho cô không muốn tham dự các buổi họp mặt gia đình.

Bên cạnh đó, Kristen cũng không thể đưa con ra ngoài. Nếu đi dạo thì trời quá nóng, còn đi vào các cửa hàng thì lại tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh.

Kristen cảm thấy như bị bóp nghẹt, khó thở, luôn lo lắng và hồi hộp hơn bình thường. Cuối cùng, khi không thể chịu được nữa, cô lên kế hoạch gặp bác sĩ để được hỗ trợ chuyên môn về sức khỏe tâm thần. Bà mẹ hai con nhấn mạnh rằng những bậc cha mẹ trải qua hoàn cảnh tương tự mới thực sự thấu hiểu những trải nghiệm này.

Phụ nữ sau sinh cần sự hỗ trợ từ gia đình, bác sĩ tâm lý. Ảnh: Getty Image.

Phụ nữ mang thai hay phụ nữ sau sinh đều đang phải trải qua những thử thách, gánh nặng và cuộc đấu tranh chưa từng có diễn ra trong bối cảnh đại dịch hiện nay.

Tạo điều kiện để phụ nữ mở rộng lòng mình chia sẻ, giúp đỡ họ thoát ra khỏi mọi cảm giác tội lỗi và sẵn sàng yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết chính là điều mà Bellenbaum mong muốn thực hiện.

Mặc dù vậy, tất cả vẫn còn rất nhiều thách thức.

Fichtner, người đang đương đầu với thử thách tốt hơn, cho rằng cô đã tìm được sự hỗ trợ về mặt tinh thần nhưng vẫn đang phải vật lộn với chính nó.

"Thật uỷ mị khi nói thiên chức làm mẹ cần sự giúp đỡ của rất nhiều người, song chúng tôi đâu có ích kỉ muốn tự mình làm hết mọi việc đâu", cô nói.

Theo zingnews