"Tôi cảm thấy nực cười và xấu hổ khi nói ra điều đó", Fichtner nói. Là một nhà trị liệu, bà mẹ hai con hiểu rõ phụ nữ thời kỳ hậu sản mong manh như thế nào và đã tự thiết lập một hệ thống hỗ trợ. Nhưng khi đại dịch ập đến, hệ thống ấy sụp đổ. Fichtner rối bời bởi những khuyết điểm của mình khi phải vừa chăm sóc đứa con mới sinh hồi đầu năm và con đầu lòng năm tuổi đang học tại nhà.
"Tôi cảm thấy cực kỳ tội lỗi, thất vọng và xấu hổ về bản thân. Tôi cảm thấy mình quá thất bại", Fichtner tâm sự, tiết lộ thêm mình vừa bắt đầu điều trị trầm cảm sau sinh.
Các vấn đề tâm lý hậu sản như trầm cảm sau sinh và lo âu sau sinh có thể xảy ra với bất cứ ai. Ở Mỹ, ước tính cứ 8 phụ nữ lại có một người bị trầm cảm sau sinh. Các nghiên cứu cho thấy chứng lo âu sau sinh còn phổ biến hơn.
Vì Covid-19 mới bùng phát cách đây vài tháng, các nhà khoa học chưa thể nghiên cứu toàn diện ảnh hưởng của nó đến trầm cảm sau sinh hay lo âu sau sinh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định tỷ lệ phụ nữ cần điều trị hai chứng bệnh này đã tăng lên trong đại dịch.
"Trong tháng thứ ba của đại dịch, lượng người gọi đến chỗ chúng tôi đã tăng gấp đôi. Đến tháng thứ năm và thứ sáu, con số này tăng gấp ba", Paige Bellenbaum, giám đốc truyền thông một phòng khám tâm thần dành cho các bà mẹ ở New York nói. Bà tiết lộ thêm các khách hàng gọi đến từ khắp nước Mỹ, một số người thậm chí sống ở nước ngoài.
Các vấn đề sức khỏe hậu sản không chỉ bị tác động bởi nội tiết tố của phụ nữ mà còn chịu ảnh hưởng của cảm xúc cũng như lối sinh hoạt.
Không chỉ bị thay đổi về nội tiết tố, phụ nữ sau sinh còn đối mặt với hàng loạt thách thức, ví dụ phải vừa nuôi con vừa ngủ ít. Trong đại dịch, mọi chuyện càng trở nên khó khăn, ngay cả với những gia đình có điều kiện tốt.
Theo Kate Kripke, nhà sáng lập Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sau sinh Boulder ở Colorado, có ba yếu tố chính làm tăng nguy cơ các bệnh tâm lý thời kỳ hậu sản trong đại dịch. Thứ nhất, phụ nữ phải đi khám, thậm chí lâm bồn một mình. Thứ hai, thời gian nằm viện bị rút ngắn khiến họ không được chăm sóc đầy đủ. Thứ ba, người thân hoặc bạn bè nhiễm bệnh, phải cách ly nên không thể hỗ trợ phụ nữ mới đẻ chăm con.
Kristen 38 tuổi ở Pennsylvania sinh con thứ hai hồi tháng 4, đúng lúc Covid-19 đang hoành hành. Dù vẫn có chồng ở bên lúc vượt cạn, cô vẫn bị lo âu do ảnh hưởng từ tâm trạng các y bác sĩ.
Căng thẳng càng tăng lên khi Kristen về nhà. Không chỉ gặp khó khăn trong việc cân bằng thời gian dành cho hai con, vợ chồng cô còn bị họ hàng chỉ trích khi từ chối tham gia các cuộc họp mặt gia đình. Chưa kể, Kristen không dám ra khỏi nhà, dù chỉ là đi siêu thị, vì sợ mang bệnh về cho các con. Sắp tới, cô dự định đi gặp bác sĩ bởi cảm thấy bản thân cần giúp đỡ.
"Phụ nữ đang phải chịu đựng những thách thức chưa từng thấy trước đây", Bellenbaum nhận định. Bà cho biết thời gian này, công việc của bà đơn giản là giúp các bà mẹ hiểu rằng cảm xúc của họ không sai trái và họ có quyền yêu cầu sự giúp đỡ.
Đối với phụ nữ không có gia đình ở bên hoặc gặp khó khăn tài chính, các hành động nhỏ sẽ hữu ích. Kripke gợi ý những người này liệt kê ba thứ khiến họ cảm thấy tốt hơn, ví dụ như đi bộ nhanh, tắm rửa, mua sắm thức ăn trong ngày và ưu tiên những thứ đó.
Bên cạnh đó, đừng quên tìm người trợ giúp, dù đó là gia đình hay chuyên gia tâm lý. "Chúng ta không cần làm điều này một mình", Fichtner nói.
Theo vnexpress