Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Mỗi ngày cơ thể cần được cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng ở mức độ phù hợp để đáp ứng nhu cầu hoạt động của tế bào cũng như của toàn cơ thể. Việc nhịn ăn có thể dẫn đến cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, mất cơ, bất thường chuyển hóa và ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài, thậm chí dẫn đến suy kiệt, tử vong.

leftcenterrightdel
 Kiêng ăn quá mức sẽ không tốt cho sức khỏe tổng thể

Nhịn ăn không có tác dụng gì trong việc "thanh lọc cơ thể".

Cũng theo bác sĩ Niên, thụt tháo đại tràng được sử dụng trong lĩnh vực y học nhằm điều trị táo bón, chuẩn bị ruột cho phẫu thuật hoặc trong một số kỹ thuật cho chẩn đoán, điều trị bệnh. Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy đưa cà phê vào đại tràng có thể giúp thải độc cho cơ thể. Thực hiện thụt tháo đại tràng không đúng cách có thể dẫn đến thủng ruột, liệt ruột.

Bác sĩ Niên cho biết, nếu chúng ta bị nhiễm độc chất qua thức ăn hoặc một chất có hại nào đó qua đường tiêu hóa, chúng ta cần đến cơ sở y tế để được điều trị phù hợp, trong đó có thể có biện pháp loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Còn đối với các biện pháp được gọi là "thải độc" theo các trào lưu hiện nay thì hoàn toàn chưa có bằng chứng khoa học, không đem lại hiệu quả nào và thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe. Nhìn chung, về mặt dinh dưỡng, việc áp dụng chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng, điều độ là quan trọng nhất.

Theo Thanh niên