Quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ chậm hơn khi ngủ. Do đó, cả nhịp tim và nhịp thở đều chậm hơn so với lúc thức. Không những vậy, huyết áp cũng giảm, các khối cơ trên cơ thể sẽ thả lỏng và bắt đầu quá trình phục hồi, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Với hơi thở, nhịp thở sẽ chậm lại và ổn định cả đêm. Nhịp thở nhanh hay chậm hơn so với mức bình thường đều không tốt. Ví dụ, nhịp thở trung bình của một người là 15 nhịp/phút, nếu tăng lên mức 19 nhịp/phút là dấu hiệu cho thấy có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Tổ chức Giấc ngủ Mỹ cho biết người trưởng thành có thể thở 12-20 nhịp/phút. Trường hợp thở đến 28 nhịp/phút thì vẫn được xem là ở ngưỡng an toàn. Một số thiết bị như đồng hồ thông minh hoàn toàn có thể theo dõi nhịp thở khi ngủ.
Nhịp thở nhanh hay chậm một cách bất thường có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống chọi với cảm lạnh, viêm nhiễm hay tác dụng phụ của thuốc. Trong trường hợp xấu, nhịp thở bất ổn còn là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.
Đó có thể là dấu hiệu của lo âu, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), nhiễm trùng phổi, cục máu đông hoặc suy tim. Đặc biệt, người bệnh nên đi khám khi nhịp thở bất thường, kèm theo các triệu chứng như khó thở, sốt, co thắt ngực, da tái hoặc xám.
Với những người mắc tình trạng nhịp thở nhanh một cách bất thường khi ngủ, bác sĩ có thể điều trị bằng cách dùng mặt nạ hô hấp hoặc ống đưa vào mũi để cung cấp đầy đủ ô xy. Một cách khác là hãy tập thở bằng cách sử dụng nhiều hơn cơ hoành, tức nhóm cơ hình vòm ngăn cách khoang ngực và khoang bụng. Sử dụng cơ hoành sẽ giúp hơi thở được sâu và chậm hơn.
Trong trường hợp người bệnh bị suy hô hấp thì có thể sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP). Thiết bị này có thể giúp mang luồng không khí giàu ô xy đi vào và ra phổi hiệu quả hơn.
Ngoài ra, tùy theo nguyên nhân thể lý hay tâm lý mà bác sĩ có thể dùng thuốc hít, thuốc kháng histamine hay liệu pháp nhận thức hành vi để giảm bớt lo âu với người có vấn đề tâm lý, theo Healthline.
Theo Thanh niên