1. Biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược các chất từ dạ dày lên thực quản. Bệnh gây khó chịu tức thời và gây ra những biến chứng nặng nề, lâu dài như: Loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí dẫn tới ung thư thực quản nếu không được điều trị kịp thời, dứt điểm.
Triệu chứng của bệnh có một số biểu hiện như nóng rát, ợ chua, ợ khan, ợ hơi, đầy bụng, sôi bụng, ấm ách, ăn mau no…
Mặc dù đến nay nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định chính xác, song có một số yếu tố nguy cơ cao: Rối loạn trương lực cơ vòng thực quản, rối loạn trương lực co bóp dạ dày. Ngoài ra còn một số yếu tố khác: Thiếu hụt dịch vị và enzym tiêu hoá làm thay đổi môi trường pH trong dạ dày, đặc biệt là sự tăng tiết HCl...
Để chẩn đoán bệnh, cần dựa vào khám lâm sàng, nội soi dạ dày thực quản và chụp xạ hình...
2. Các thuốc điều trị và lưu ý khi dùng
Việc dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản là rất cần thiết và cần phải sử dụng sớm. Điều trị nhằm đến các mục tiêu:
- Làm mất triệu chứng khó chịu.
- Điều trị lành tình trạng viêm thực quản (nếu có)
- Ngăn ngừa chít hẹp, xước trợt niêm mạc và loét thực quản tái phát.
- Duy trì kết quả điều trị, ngăn ngừa bệnh tái phát.
Hiện nay có rất nhiều thuốc được phối hợp và đưa vào sử dụng để điều trị bệnh lý này
Nhóm thuốc điều hoà vận động:
- Metoclopramid là thuốc được chỉ định phổ biến trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Thuốc giúp dạ dày nhanh chóng tiêu hóa thức ăn, từ đó giúp cải thiện triệu chứng khó tiêu, cải thiện trào ngược acid lên thực quản, giảm ợ nóng... nhờ cơ chế hoạt động tăng nhu động trong ruột, giảm độ giãn ở phần trên dạ dày của thuốc. Tuy nhiên thuốc chỉ được sử dụng trong điều trị ngắn hạn, không nên lạm dụng.
Một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc: Buồn nôn, ảo giác, tim đập nhanh, gây buồn ngủ và tăng trương lực ngoại tháp... Do vậy bệnh nhân cần thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc khi đang uống thuốc.
Nếu gặp phải tác dụng phụ gây khó chịu quá cần ngừng thuốc và gặp bác sĩ điều trị để được xử trí. Bệnh nhân có tiền sử xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, động kinh cần báo cho bác sĩ biết, vì thuốc chống chỉ định cho các trường hợp này.
- Domperidon là thuốc kháng dopaminergic ngoại biên, nằm trong nhóm thuốc điều hòa nhu động cơ thắt dạ dày và thực quản, có tác dụng làm tăng áp lực cơ vòng đoạn dưới thực quản, từ đó làm giảm trào ngược. dạ dày thực quản hiệu quả.
Tùy theo cơ địa, khi uống thuốc có thể gặp phải một số triệu chứng khó chịu: Đau đầu, khô miệng, tiêu chảy/táo bón, mệt mỏi, nổi mề đay... Cần trao đổi với bác sĩ điều trị khi tình trạng tác dụng phụ nặng. Thuốc cũng có một số tương tác có hại với thuốc khác, do đó cần thông báo cho bác sĩ các thuốc đang sử dụng.
Thuốc chống chỉ định với bệnh nhân có chảy máu dạ dày/ruột, tắc ruột, nguy cơ thủng ở ống tiêu hoá.
- Sulpirid có tác dụng làm gia tăng trương lực đoạn dưới cơ vòng thực quản, do đó giúp giảm tình trạng trào ngược.
Không uống thuốc vào ban ngày và khi phải vận hành xe, máy móc. Thuốc có thể gây hội chứng ngoại tháp, chảy sữa, bất lực ở nam giới... Cần thông báo với bác sĩ nếu gặp phải tác dụng phụ này.
- Metopimazin là thuốc chống nôn kháng tiết dopamin. Thuốc có tác dụng làm thay đổi vận động ống tiêu hoá nhưng không làm tăng sự vơi dạ dày do đó nó không làm cản trở sự hấp thu tiêu hoá cao của các thuốc phối hợp.
Nhóm thuốc làm giảm tác động có hại của trào ngược
- Acid alginic là một trong những loại thuốc trị trào ngược được sử dụng phổ biến hiện nay. Acid alginic khi tiếp xúc với HCl sẽ tạo thành một lớp bọt nổi lên trên dịch vị, giúp tạo một lớp màng bảo vệ ngăn cách giữa dạ dày và thực quản. Trong trường hợp trào ngược, nhờ lớp màng này sẽ bảo vệ cho niêm mạc thực quản khỏi bị tác động của acid dạ dày.
Tác dụng phụ có thể gặp: Đau đầu, chóng mặt, ho, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa... Khi gặp bất cứ tác dụng phụ nào ảnh hưởng đến sức khỏe, thông báo với bác sĩ điều trị để được xử trí và đưa ra phương án điều trị hợp lý hơn.
- Dimeticol là một chất bảo vệ niêm mạc tương tự như acid alginic. Ngoài ra, thuốc còn giúp trung hòa lượng acid dư còn sót lại ở dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày trước sự bào mòn gây nên bởi acid dịch vị.
- Thuốc ức chế bơm proton như omeprazol có tác dụng làm giảm sản xuất dịch vị dạ dày, giúp tránh tình trạng ợ nóng, giảm tổn thương thực quản do acid dạ dày gây ra; ngăn ngừa ung thư dạ dày do tình trạng trào ngược dạ dày kéo dài. Do đó đây là thuốc được dùng phổ biến trong điều trị bệnh dạ dày, trào ngược dạ dày - thực quản.
Ở một số trường hợp có thể gặp tác dụng phụ: Chóng mặt, đau đầu, táo bón/tiêu chảy, cảm giác đau họng/nghẹt mũi, dị ứng... Nên ngừng thuốc và thông báo với bác sĩ điều trị nếu những điều này làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe.
- Sucralfat có tác dụng bảo vệ niêm mạc bằng cách gắn với protein tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày thực quản chống lại các tác nhân từ dạ dày. Thuốc cần uống trước bữa ăn và lúc đi ngủ.
Lưu ý:
Ngoài việc dùng thuốc, việc duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản:
- Mỗi bữa không nên ăn quá nhiều, nên chia nhỏ bữa ăn. Không nên ăn thức ăn quá nhiều chất, nên ăn đặc, khô… Ăn chậm, nhai nát kỹ thức ăn, tránh nuốt hơi vào dạ dày. Loại bỏ hẳn một số thức ăn làm giảm trương lực cơ vòng như socola, thuốc lá, cà phê, chất mỡ, nước khoáng có gas. Sau khi ăn không nên nằm ngay mà cần ngồi ở tư thế cúi ra phía trước...
-Khi đi ngủ cần nằm ngủ ở tư thế đầu dốc cao.
-Không được dùng một số thuốc làm giảm trương lực cơ vòng dưới thực quản như estrogen, progesteron, anticholinergic, barbituric, thuốc ức chế kênh calci, diazepam, theophylin.
-Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng khi điều trị nội khoa không khỏi và khi có biến chứng nặng nề.
Theo suckhoedoisong.vn