1. Vì sao bị trào ngược dạ dày-thực quản?

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là bệnh rất phổ biến ở các nước phương Tây, hiện ngày càng có xu hướng tăng ở các nước châu Á - Thái Bình Dương. Những biến đổi về kinh tế - xã hội, thay đổi lối sống, chế độ ăn, tăng cân... là những yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Trào ngược dạ dày-thực quản tuy không dễ dàng điều trị dứt điểm, có tỉ lệ tái phát cao nhưng nếu người bệnh theo đúng phác đồ điều trị kèm với các thay đổi về lối sống và thói quen ăn uống thì hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Bình thường khi nuốt thức ăn, cơ vòng thực quản dưới sẽ mở ra và cho phép đồ uống, thức ăn đi xuống dạ dày, sau đó đóng lại để ngăn dòng trào ngược. Tuy nhiên trong trường hợp cơ này bị yếu hoặc đóng – mở bất thường sẽ dẫn đến trào ngược. Các chất dịch trong dạ dày như acid HCl, pepsin, dịch mật… trào vào thực quản, có thể từng lúc hay thường xuyên dẫn đến tổn thương niêm mạc thực quản, gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng.

photo-1658120502269
 

Người bệnh trào ngược dạ dày-thực quản có cảm giác nóng bỏng sau xương ức giữa ngực…

2. Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày-thực quản

Thông thường người bệnh trào ngược dạ dày-thực quản có các biểu hiện sau:

- Cảm giác nóng bỏng sau xương ức giữa ngực, hay xảy ra sau bữa ăn hoặc lúc cúi mình về phía trước, hoặc lúc nằm ngửa; đau nóng rát khu trú ở bụng trên... Ban đêm bị đau, khó chịu, nếu ngồi dậy hoặc nâng cao đầu thì đỡ.

- Ợ chua.

- Các biểu hiện về tai mũi họng: Họng mất cảm giác; cảm giác nuốt nghẹn như có dị vật, hoặc vướng, sau xương ức hay sau yết hầu; viêm họng hay tái phát; khản tiếng, sáng dậy khản đặc rồi hết nhanh...

3. Ai dễ mắc bệnh?

Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản có thể gặp ở bất kỳ ai. Tuy nhiên, có vài nhóm người được đánh giá là có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm:

  • Người bị thừa cân hoặc béo phì.
  • Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ do tử cung mở rộng sẽ làm chèn ép một số bộ phận tiêu hóa, dẫn đến hiện tượng trào ngược.
  • Người phải sử dụng một số thuốc nhất định, như thuốc trị hen suyễn, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc kháng histamine, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau xương khớp nhóm NSAIDs.
  • Người hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động.
  • Người có lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh như uống rượu bia, ăn nhiều đồ chua, ăn nhiều dầu mỡ, lười vận động, nằm liền sau ăn...

Ngoài ra, căng thẳng hay stress do áp lực trong công việc và cuộc sống cũng là yếu tố thường gặp gây ra tình trạng trào ngược dạ dày-thực quản, đặc biệt ở người trẻ.

4 . Điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản như thế nào?

4.1.Điều trị không dùng thuốc

Song song với biện pháp dùng thuốc, chế độ ăn uống và một số thói quen của người bị trào ngược dạ dày-thực quản cũng phải thay đổi hợp lý.

Bệnh nhân nên:

- Ăn chậm, nhai kỹ.

- Đừng vội nằm ngay sau khi ăn và trong khoảng 3 giờ.

- Không nên ăn quá no, không dùng các chất có cồn, các bữa ăn nên được chia nhỏ hợp lý.

- Tránh đồ ăn có tính kích thích như ớt, tiêu, sôcôla, tỏi, mỡ, rượu, bia, cà ri, đồ uống có gas, café,...

- Thay đổi tư thế nằm (gối đầu cao khoảng 15cm hoặc kê vai cao 25cm); tránh tư thế cúi lâu.

- Duy trì cân nặng thích hợp.

- Cố gắng bỏ thuốc lá.

- Thư giãn, giảm căng thẳng.

photo-1658120506451
 

Người bệnh trào ngược dạ dày-thực quản nên tránh đồ ăn cay nóng…

4.2. Điều trị trào ngược dạ dày-thực quản bằng thuốc

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là lựa chọn hàng đầu khi điều trị trào ngược dạ dày-thực quản. Đây là các loại thuốc ngăn chặn sự sản xuất acid, giảm triệu chứng nhanh và chữa lành thực quản. Trong các PPI thì omeprazole và rabeprazole là thuốc được lựa chọn hàng đầu do tính hiệu quả, an toàn, đặc biệt là rabeprazol. PPI thường được dùng trước bữa ăn 30 – 60 phút.

Lưu ý, thuốc rabeprazol dùng trong điều trị trào ngược dạ dày-thực quản chống chỉ định với phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Tác dụng phụ thường gặp là đau đầu, tiêu chảy, đau bụng, suy nhược, đầy hơi, mẩn ngứa và khô miệng. Dùng kéo dài có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hoá, gẫy xương, tăng nguy cơ biến chứng ở bệnh nhân xơ gan.

Thuốc kháng histamin H2 như loratadin, cetirizin, fexofenadin… dùng đơn độc hoặc phối hợp với PPI và antacid, dùng trước khi ngủ nếu có trào ngược về đêm.

Tác dụng phụ cần chú ý trên lâm sàng thường gặp gồm gây buồn ngủ nên thường bị cấm dùng cho người vận hành máy móc. Ngoài ra, có thể ít gặp hơn các triệu chứng chóng mặt, ù tai, mờ mắt và run, khô miệng, bí tiểu, mờ mắt và táo bón. Không dùng cho người phì đại tuyến tiền liệt, glôcôm, tắc nghẽn ống tiêu hóa và đường tiểu hoặc dị ứng thuốc.

Thuốc trung hòa acid (antacid): Thường phối hợp với PPI làm giảm nhanh triệu chứng, hoặc dùng đơn độc với bệnh trào ngược dạ dày-thực quản nhẹ. Thuốc kháng acid hoạt động dựa trên tác động trung hòa axit dạ dày, giúp giảm các triệu chứng ợ nóng, khó tiêu, trào ngược dạ dày.

Thuốc kháng acid có thể bao gồm các thành phần như: Nhôm hydroxide, magiê carbonate, magiê trisilicate, magiê hydroxide, canxi carbonate hoặc natri bicarbonate.

photo-1658120508823
 

Việc sử dụng thuốc trong bệnh trào ngược dạ dày-thực quản cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc hỗ trợ kích thích nhu động (Prokinetics): Có thể dùng các thuốc đồng vận (prokinetics) để điều trị trào ngược dạ dày-thực quản.

Domperidone có tác dụng làm tăng áp lực cơ thắt dưới, ít có triệu chứng của hệ thần kinh trung ương vì thuốc không qua hàng rào máu não.

Metoclopramid uống trước bữa ăn. Thuốc có thể khô miệng, lo lắng, có triệu chứng ngoại tháp, rối loạn vận động ở người cao tuổi. Việc lựa chọn các thuốc PPI kết hợp prokinetic là một phương pháp có tác dụng tốt, góp phần vào hiệu quả giảm triệu chứng nhanh.

Đối với các trường hợp bệnh nặng có thể cân nhắc điều trị bằng nội soi can thiệp hoặc bằng ngoại khoa.

5. Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý thường gặp. Các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Hiện nay, bệnh trào ngược dạ dày-thực quản được điều trị hiệu quả bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI) và có thể phối hợp thêm prokinetic, cũng như các biện pháp khác.

Khi có triệu chứng tốt nhất người bệnh nên đi khám để được tư vấn, chẩn đoán và có liệu trình điều trị phù hợp nhất với bản thân.

Theo suckhoedoisong.vn