Trong khi hình thái thời tiết ở miền Nam là những cơn mưa bất chợt cuối mùa mưa để chuyển sang mùa khô, miền Trung là những đợt mưa dài có thể gây ngập úng, thì ở miền Bắc là giai đoạn nền nhiệt độ chung thấp dần, dải nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm, xen kẽ là những đợt mưa ẩm gíó mùa...
Dưới đây là một số bệnh truyền nhiễm thường gặp khi thời tiết chuyển từ Thu sang Đông và nguyên tắc dự phòng.
Cúm
Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra. Có bốn loại virus là virus cúm A, B, C và D phân biệt dựa vào đặc tính nguồn chứa, đặc tính lây truyền, tính chất gây bệnh. Trong đó cúm A, cúm B thường gây bệnh cho người.
Nguồn chứa virus cúm bao gồm cả người bệnh và người mang virus cúm nhưng không có triệu chứng, vi rút cúm chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn hô hấp được tạo ra từ ho và hắt hơi. Sự lây truyền qua không khí và tiếp xúc qua các vật thể trung gian hay bề mặt bị nhiễm vi rút cũng có thể xảy ra.
Biểu hiện thường gặp gồm sốt, chảy nước mũi, đau họng, đau cơ, đau đầu, ho và mệt mỏi... Các triệu chứng này bắt đầu từ 1-4 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút và kéo dài trong khoảng 2–8 ngày. Ở trẻ em có thể gặp tiêu chảy và nôn. Bệnh cúm có thể tiến triển thành viêm phổi, có thể do virus gây ra hoặc do nhiễm vi khuẩn sau đó. Một số biến chứng nặng của nhiễm cúm có thể gặp như hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS, viêm màng não, viêm não… tình trạng này làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe đã có từ trước như hen và bệnh tim mạch.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, hiện có 4 týp huyết thanh của virus Dengue thường gây bệnh ở người. Nguồn chứa virus là người bệnh sốt xuất huyết và người mang virus không có triệu chứng. Bệnh lây do loài muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) đốt từ người mang virus truyền sang cho người lành. Thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết có 2 triệu chứng điển hình là sốt và xuất huyết (chảy máu). Sự nguy hiểm của bệnh là giảm lượng tiểu cầu trong máu, nếu lượng tiểu cầu thấp có thể gây chảy máu không cầm được, nếu chảy máu ở nội tạng người bệnh có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra sốt xuất huyết còn làm tăng tính thấm thành mạch làm huyết tương trong máu thoát ra ngoài, gây hiện tượng máu cô, dẫn đến giảm khối lượng máu lưu hành, tụt huyết áp và sốc.
Nếu không được cấp cứu kịp thời cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.
Hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển. Việc điều trị sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu là nhằm điều trị triệu chứng, ngăn chặn biến chứng. Do đó, phòng bệnh bằng cách loại trừ nơi cư trú, không cho muỗi phát triển và phòng không để muỗi đốt vẫn là các biện pháp căn cơ. Khi bị nghi ngờ sốt xuất huyết đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý dùng thuốc nếu không có tư vấn cuả chuyên môn y tế.
Sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra và là một trong các loại bệnh dịch phổ biến ở nước ta vào giai đoạn Thu - Đông hàng năm. Nguồn chứa tác nhân gây bệnh là người đang mắc sởi, kể cả giai đoạn sởi chưa có triệu chứng hay giai đoạn sởi đã thoái lui. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn, giọt nhỏ dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.
Bệnh sởi có các biểu hiện đặc trưng là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc), chảy nước mũi; mắc sởi có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não... dễ có nguy cơ tử vong.
Với trẻ mắc bệnh sởi, cha mẹ không nên kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn… Bởi khi trẻ không được ăn đủ chất sẽ khiến bệnh kéo dài; còn kiêng gió, kiêng nước khiến trẻ không đảm bảo vệ sinh làm tăng tỷ lệ viêm phổi và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Để đạt hiệu quả phòng bệnh cao, trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi (mũi 1 tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi; mũi 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi). Ngoài ra, để phòng tránh nguy cơ bùng phát dịch sởi, cần có kiến thức tự phòng, chống. Bên cạnh đó, cần tiến hành tiêm vắc xin sởi cho phụ nữ ở độ tuổi mang thai và những người dân trong cộng đồng chưa có kháng thể chống sởi giúp giảm số người mắc, phòng lây nhiễm bệnh sởi...
Bệnh tay - chân - miệng
Bệnh tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người có thể phát triển thành dịch do virus đường ruột gây ra. Tác nhân gây bệnh là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối (lý do bệnh được đặt tên là tay – chân – miệng).
Bệnh chân tay miệng lây chủ yếu do tiếp xúc với các dịch tiết từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.
Dịch tay chân miệng có thể gặp quanh năm. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tăng cao và khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.
Các biến chứng có thể bao gồm: biến chứng thần kinh như: viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não. Biểu hiện như giật mình, ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê,...; biến chứng tim mạch, hô hấp gồm: viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.
Tiêu chảy cấp do virus đường ruột
Mùa Thu – Đông cũng là thời gian rất dễ bùng phát dịch tiêu chảy cấp do virus đường ruột. Virus Rota là tác nhân thường được đề cập. Gần đây thêm một tác nhân nữa đã được kể đến là virus Noro.
Các virus này cư trú trong đường tiêu hoá của người bệnh và được thải ra ngoài qua dịch tiết tiêu hoá, phân. Các virus có khả năng tồn tại bền vững trong môi trường. Chúng có sống nhiều giờ trên tay và nhiều ngày trên các bề mặt cứng như bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, vật dụng trong gia đình...
Người lành mắc bệnh do "ăn" phải virus có trên các bề mặt này thông qua bàn tay, dụng cụ ăn uống …Sau khi bị lây nhiễm khoảng 1- 2 ngày trẻ bắt đầu xuất hiện nôn và tiêu chảy. Nôn thể xuất hiện trước khi bị tiêu chảy khoảng 6- 12 giờ hoặc có thể kéo dài từ 2- 3 ngày.
Trẻ đi ngoài phân lỏng như nước, có thể kèm theo nhớt nhưng không có máu. Vài ngày sau đó tiêu chảy ngày càng tăng kéo dài khoảng 3- 9 ngày. Ngoài ra, trẻ có thêm những dấu hiệu như sốt vừa phải, đau bụng, ho và chảy nước mũi. Trong giai đoạn này, trẻ rất dễ bị mất nước, cơ thể nhanh chóng bị khô kiệt nếu không được chăm sóc thích hợp hoàn toàn có nguy cơ thành bệnh nặng và tử vong.
Đối với trẻ nhỏ đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Ảnh minh họa
Những đối tượng dễ mắc bệnh thời kỳ giao mùa
Trẻ nhỏ: Đối với trẻ nhỏ đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn.
Người cao tuổi, người có bệnh mãn tính : Người cao tuổi thường có sẵn các bệnh lý mạn tính như bệnh lý hô hấp, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận làm hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, bệnh gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ rất nhiều. Thay đổi thời tiết dễ làm khởi phát bệnh lý có sẵn ở người cao tuổi.
Nguyên tắc dự phòng bệnh truyền nhiễm khi thời tiết chuyển mùa
Dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ theo lứa tuổi. Bữa ăn đủ dưỡng chất (bữa ăn cho trẻ em cân đối 4 thành phần dưỡng chất cơ bản: chất đạm, chất béo, tinh bột và vitamin – khoáng chất). Thực phẩm được chế biến phù hợp, vệ sinh. Khối lượng thức ăn không thiếu và không quá dư thừa.
- Vệ sinh, giữ ấm cơ thể. Đặc biệt quan tâm đến vệ sinh mũi họng.
- Trẻ em và cả người lớn tiêm vaccine đầy đủ, đúng theo lịch tiêm chủng.
- Kiểm soát các bệnh nền, bệnh mạn tính. Khám bệnh định kỳ, tuân thủ các biện pháp dự phòng, không để bệnh mạn tính bùng phát thành đợt cấp.
- Xây dựng văn hóa phòng bệnh thường quy, hay phòng bệnh không đặc hiệu. thói quen phòng bệnh tốt đẹp đã được hình thành qua giai đoạn phòng chống COVID như vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt và ý thức không làm ô nhiễm các bề mặt, đặc biệt là các bề mặt công cộng.
- Vệ sinh hô hấp, che miệng khi ho, khi hắt hơi.
- Mang khẩu trang phù hợp, mang khẩu trang ở nơi có nguy cơ cao, những nơi có không gian hẹp, kín…
- Ngày nay trong giai đoạn bình thường mới và kể cả sau này không còn dịch bệnh COVID bùng phát nữa thì vẫn cần phát triển và duy trì như là một hành vi văn hoá trong phòng bệnh.
Theo suckhoedoisong.vn