Tại Hội nghị Khoa học Vật lý trị liệu Việt Nam lần thứ nhất vừa được tổ chức tại TP.HCM, những đề tài liên quan đến xu hướng hiện đại về phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ đã thu hút nhiều sự chú ý.
Trong bài báo cáo tại hội nghị, Giáo sư Prue Morgan, chuyên gia hàng đầu thế giới về vật lý trị liệu (VLTL) thần kinh - cơ, Chủ tịch Hội đồng Trưởng khoa VLTL Úc và New Zealand, đã điểm qua những thay đổi trong chăm sóc bệnh nhân đột quỵ từ 10 năm trở lại đây.
Thời gian vàng để phục hồi
Theo Giáo sư Morgan, nhiều nghiên cứu đã đưa ra những chứng cứ rõ ràng rằng với bệnh nhân đột quỵ, phục hồi chức năng (PHCN), bao gồm VLTL, nên được bắt đầu ngay khi có thể.
Ngày nay, các nhà khoa học đã hiểu rõ hơn về khả năng của hệ thần kinh đáp ứng với các kích thích bên trong hoặc bên ngoài bằng cách tổ chức lại cấu trúc, chức năng và các kết nối, nghĩa là khả năng phục hồi sau tổn thương não do đột quỵ là hoàn toàn có thể. Đây là nền tảng để đưa ra “cửa sổ điều trị”, tức là khoảng “thời gian vàng” - từ 0 đến 3 tháng sau khi xảy ra cơn bệnh - mà bệnh nhân có thể đáp ứng nhanh hơn và tốt hơn với can thiệp. Nếu được điều trị sớm, với chương trình phù hợp thì giai đoạn đáp ứng tốt này có thể kéo dài đến hơn 12 tháng.
Những bệnh nhân có tình trạng sức khỏe phù hợp (được đánh giá theo các thang đo lường chuẩn hóa) có thể được cho ngồi dậy, thậm chí rời khỏi giường ngay vào hôm sau khi xảy ra đột quỵ để giảm các biến chứng của tình trạng bất động và thúc đẩy phục hồi tốt. Việc di chuyển và tập luyện cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm (trong vòng từ 24 đến 48 giờ sau đột quỵ) được các chuyên gia lưu ý là nên thực hiện với tần suất cao nhưng thời gian tập ngắn.
Tập chủ động và nhóm xoay vòng
Giáo sư Morgan nhấn mạnh, trong quá trình tập VLTL, bệnh nhân phải chủ động. Bệnh nhân không học được điều gì cho não bộ nếu họ chỉ nhận được các phương pháp trị liệu thụ động. Tạo sự chủ động, tạo cảm hứng sẽ giúp tối ưu hóa cơ hội tập luyện trong cả ngày, đồng thời tránh được tình trạng sau khi được chuyên viên VLTL giúp cải thiện khả năng vận động tại bệnh viện, về đến nhà, người bệnh dành cả ngày ở trên giường hoặc ngồi một chỗ.
|
Một bệnh nhân đang tập VLTL
|
Tập nhóm xoay vòng là một phương thức giúp tăng tính chủ động và tối ưu hóa cơ hội tập luyện cho bệnh nhân đột quỵ. Đây cũng là đề tài báo cáo của thạc sĩ Nguyễn Thanh Duy (Bộ môn PHCN, khoa Điều dưỡng kỹ thuật y học - Trường ĐH Y Dược TP.HCM) tại Hội nghị Khoa học VLTL Việt Nam.
Nghiên cứu của thạc sĩ Duy là so sánh hiệu quả tập luyện giữa hai nhóm bệnh nhân đột quỵ thuộc giai đoạn mạn tính, có khả năng vận động khá tương đồng. Một nhóm mỗi tuần được tập 5 buổi thường quy - tức một người bệnh tập với một chuyên viên VLTL theo lượng giá riêng biệt, mỗi lần tập khoảng 30 phút. Nhóm còn lại được tập hằng tuần kết hợp giữa 2 buổi thường quy và 3 buổi xoay vòng. Các buổi tập theo nhóm xoay vòng có sự tham gia cùng lúc của 10 bệnh nhân, với nhiều bài tập khác nhau về thăng bằng, di chuyển… Các bệnh nhân sẽ cùng lúc tập luyện luân phiên các bài tập, với sự hỗ trợ của 2 chuyên viên VLTL, đồng thời người nhà cũng có thể tham gia hỗ trợ.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Duy, cách tập luyện này giúp tăng cơ hội tương tác xã hội cho bệnh nhân, tăng số lượng bài tập có thể thực hiện, giúp họ cảm thấy tự tin hơn, có nhiều hứng thú hoạt động trong ngày hơn.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy so với nhóm tập thường quy, bệnh nhân tham gia vào nhóm có tập xoay vòng cải thiện thăng bằng và khả năng di chuyển rõ rệt, đi được xa hơn, nguy cơ té ngã thấp hơn, gia tăng khả năng hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, chương trình tập lớp xoay vòng cần ít nhân lực (2 chuyên viên VLTL có thể hỗ trợ cùng lúc 10 bệnh nhân) nên sẽ là một lựa chọn hiệu quả và thiết thực trên lâm sàng.
Theo Thanh niên