Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ được bác sĩ thăm khám, kiểm tra sau phẫu thuật - KHẢI LINH

Suýt bại liệt vì thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Bệnh nhân T.Đ.V (66 tuổi, ngụ Gia Lai) đến khám tại Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM) với triệu chứng dáng đi cứng, khó khăn khi bước, dễ té, hai chân yếu không thể tự đi lại được; vụng về cử động bàn tay, không thể cầm đũa, cầm bàn chải đánh răng, khó mở và gài nút áo, dễ đánh rơi ly, chén…

Theo ông V., ông bị đau vùng cổ kèm tê tay, lưng đã hơn 3 tháng nay, tê càng ngày càng nhiều, lan xuống hai chân.

Khi mới xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân đã đến khám và điều trị tại bệnh viện ở địa phương nhưng không giảm. Sau đó, đau tê ngày càng tăng, bệnh nhân không thể đi lại được nên đã đến Bệnh viện Gia An 115 để khám và điều trị.

Tại Bệnh viện Gia An 115, qua thăm khám và kết quả chụp MRI cột sống cổ, bác sĩ chẩn đoán ông V. bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chèn ép tủy. Theo tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Hồng Châu (Khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115), tình trạng chèn ép tủy cổ nặng có nguy cơ suy hô hấp và liệt tứ chi. Vì vậy, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật.

Các bác sĩ đã vi phẫu thuật lấy nhân đệm (C3-C4), giải ép tủy, đặt đĩa đệm nhân tạo chuyển động toàn phần cho bệnh nhân.

Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân hết các triệu chứng đau và tê, đi lại dễ dàng, hồi phục hoàn toàn các cử động tinh vi của hai bàn tay và được xuất viện.

Đừng bỏ qua những triệu chứng nhỏ

Theo bác sĩ Châu, đĩa đệm là phần đệm giữa hai đốt sống, cấu tạo bởi một nhân nhầy ở giữa được một mạng lưới vòng sợi dày chắc bao quanh gọi là bao xơ. Bao này còn nối kết đốt sống trên và dưới đĩa đệm. Cấu trúc này giúp phân tán, hấp thu lực nén dọc trục cột sống.

“Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường gặp ở những người từ độ tuổi trung niên trở lên do quá trình lão hóa tự nhiên. Ngoài ra, những người lao động nặng hoặc do tính chất công việc thường xuyên phải cúi người trong thời gian dài cũng dễ mắc bệnh này”, bác sĩ Châu cho biết.

Bác sĩ Châu lưu ý những triệu chứng nhỏ mọi người chớ nên bỏ qua để sớm phát hiện bệnh, như:

Đau vai lan theo cánh tay kèm với tê, yếu, teo cơ ở tay: cơn đau tăng lúc ngửa cổ và nghiêng đầu sang một bên, đau giảm khi gác tay lên đỉnh đầu.

Liệt tứ chi có thể xảy ra khi cổ bị gập hoặc duỗi mạnh do ngồi xe đang chạy với tốc độ cao gặp sự cố phải giảm hoặc tăng tốc đột ngột. Liệt cũng xảy ra khi bị té cằm hoặc trán đập xuống vật cứng làm cổ bật mạnh ra sau, hoặc té chúi đầu gây gập cổ.

Khi gập cổ cảm thấy tê rần như điện giật lan dọc từ cổ xuống lưng cũng là dấu hiệu cho biết tủy cổ bị chèn ép. Chèn ép tủy cổ nặng có thể gây suy hô hấp gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

“Khi có các biểu hiện kể trên ngày càng nặng dần, bệnh nhân cần đến bệnh viện có chuyên khoa nội - ngoại thần kinh để được khám, chẩn đoán phát hiện sớm thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và có hướng điều trị thích hợp kịp thời. Dù là nguyên nhân nào gây chèn ép tủy cổ, phẫu thuật giải ép tủy sớm nhất có thể sẽ giúp người bệnh hồi phục hoàn toàn không để lại di chứng”, bác sĩ Châu khuyên.

Theo thanhnien