leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Thận thường có kích thước khoảng một nắm tay, từ 10 đến 12 cm. Teo thận có thể ở một hoặc cả 2 quả thận, nhưng khả năng xảy ra ở thận trái cao hơn.

Teo thận có thể là do lượng máu cung cấp cho thận thấp hơn hoặc mất nephron, đơn vị hoạt động cơ bản của thận. Nhiễm trùng mãn tính hoặc tắc nghẽn thận cũng có thể dẫn đến teo thận. Một người bị thiểu sản thận khi sinh ra cũng sẽ có một quả thận nhỏ hơn.

1. Triệu chứng teo thận

Đôi khi teo thận có thể không có triệu chứng, đặc biệt nếu nguyên nhân diễn ra chậm và kéo dài trong nhiều năm. Khi thận mất tới 30 đến 40% chức năng, các triệu chứng mới xuất hiện. Khi thận giảm khả năng lọc máu, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng như:

- Thay đổi tần suất đi tiểu

- Da sẫm màu

- Buồn ngủ

- Cảm thấy ngứa ngáy

- Chán ăn

- Chuột rút cơ bắp

- Buồn nôn và nôn

- Sưng tay và chân

- Đau ở bụng hoặc hông (bên hông và lưng)

- Máu trong nước tiểu

leftcenterrightdel
Teo thận ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng (Ảnh: ST) 

2. Nguyên nhân gây teo thận

Teo thận có thể bắt đầu đột ngột, chẳng hạn như khi thận bị tổn thương nặng hoặc tiếp xúc với chất độc. Thận teo cũng có thể do hoặc liên quan đến một tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như:

- Động mạch thận bị tắc (được gọi là hẹp động mạch thận): Đây là tình trạng các động mạch chính cung cấp máu cho thận bị tắc nghẽn, có thể là do động mạch bị xơ cứng do các chất béo lắng đọng hoặc cục máu đông.

- Đường tiết niệu bị tắc: Đây là tình trạng tắc nghẽn ngăn cản dòng nước tiểu chảy qua đường dẫn bình thường (đường tiết niệu), bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

- Sỏi thận: Là những chất lắng đọng cứng được tạo thành từ khoáng chất và muối hình thành bên trong thận của bạn. Sỏi thận không được điều trị có thể gây tắc nghẽn thận và dẫn tới teo thận.

- Nhiễm trùng thận kéo dài (viêm bể thận): Nhiễm trùng ở thận thường do vi khuẩn gây ra. Bắt đầu từ nhiễm trùng bàng quang hoặc đường tiết niệu và di chuyển đến thận.

- Bệnh tự miễn dịch của thận: Một tình trạng mãn tính trong đó hệ thống miễn dịch tấn công thận, cụ thể đó là hội chứng kháng phospholipid.

3. Teo thận nguy hiểm như thế nào?

Nếu teo thận ở một quả thận và quả thận còn lại không bị ảnh hưởng thì có thể có ít hoặc không có vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, nếu cả hai quả thận đều bị teo thì có thể dẫn đến bệnh thận mãn tính.

Bệnh thận mãn tính có thể dẫn đến suy thận. Những người bị suy thận sẽ cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để sống sót.

leftcenterrightdel
Cả hai quả thận đều bị teo thì có thể dẫn đến bệnh thận mãn tính và cuối cùng dẫn tới suy thận (Ảnh: ST) 

4. Cách chẩn đoán và điều trị teo thận

Cách chẩn đoán

Để chẩn đoán teo thận, bạn cần thực hiện các xét nghiệm như:

- Xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

- Xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu đơn giản. Tỷ lệ lọc cầu thận ước tính (eGFR) là xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ lọc máu của thận. Tỷ lệ albumin niệu/creatinine (uACR) là xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra lượng protein cao (albumin) trong nước tiểu, đây là dấu hiệu của tổn thương thận.

Chẩn đoán và điều trị sớm teo thận là rất quan trọng để tránh tổn thương thận thêm. Tuy nhiên, những tổn thương ở thận ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, bạn nên khám sức khỏe thận định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường sớm.

Cách điều trị

Việc điều trị teo thận phụ thuộc vào nguyên nhân khiến thận trở nên nhỏ hơn ngay từ đầu. Ví dụ, bệnh nhân bị teo thận do nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính sẽ cần dùng thuốc kháng sinh.

Bác sĩ sẽ tìm hiểu xem chức năng thận còn lại bao nhiêu thông qua xét nghiệm máu và nước tiểu. Nếu một trong hai quả thận vẫn hoạt động bình thường, thì thường không cần cắt bỏ thận trừ khi có vấn đề đang diễn ra như nhiễm trùng tái phát.

Nếu thận vẫn lọc hoặc hoạt động, có thể cần điều trị y tế để duy trì chức năng thận còn lại (thuốc men và dinh dưỡng). Nếu cả hai quả thận đều bị ảnh hưởng và dẫn đến suy thận thì phương pháp điều trị là chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

5. Chế độ ăn uống cho người bị teo thận

Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ ăn uống tốt cho những người bị teo thận hoặc có những bệnh lý khác ở thận:

- Cắt giảm muối

Ăn quá nhiều muối có thể gây ra huyết áp cao, khó chịu trong quá trình chạy thận và tích tụ dịch xung quanh tim và phổi. Mọi người nên tiêu thụ khoảng 2.300 mg để duy trì huyết áp khỏe mạnh. Đối với những người bị bệnh thận hoặc huyết áp cao, 1.500 mg có thể phù hợp hơn.

- Tiêu thụ chất đạm ở mức vừa phải

Bạn càng ăn nhiều protein (đạm), thận của bạn càng phải làm việc nhiều hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên cắt giảm thực phẩm có chất đạm. Bạn chỉ nên ăn với mức vừa đủ và ưu tiên chọn protein từ thực vật. Người bị bệnh thận nên tiêu thụ khoảng 0,6–0,8 g chất đạm/kg/ngày.

Những thực phẩm có chứa đạm mà người teo thận có thể bổ sung như thịt gà, sữa, trứng, cá, thịt, đậu, ngũ cốc và các loại hạt.

- Lựa chọn thực phẩm có hàm lượng phốt pho thấp

Bệnh thận có thể khiến phốt pho tích tụ trong máu, vì vậy bạn có thể được khuyên nên chọn thực phẩm có hàm lượng phốt pho thấp như trái cây và rau quả tươi, bánh mì, mì ống và cơm, ngũ cốc làm từ gạo và ngô.

- Lựa chọn thực phẩm có hàm lượng kali thấp

Thận hoạt động kém cũng có thể dẫn đến tích tụ kali. Thực phẩm có hàm lượng kali thấp như táo, đào, cà rốt, đậu xanh, bánh mì trắng, gạo trắng và mì ống.

Một số thực phẩm có hàm lượng kali cao mà người bệnh thận nên lưu ý: Chuối, cam, dưa lưới, dưa mật, mơ, bưởi, rau bina, súp lơ, khoai tây, nấm... Tuy nhiên, bạn không cần phải kiêng kị hoàn toàn những thực phẩm này, bạn vẫn có thể bổ sung những thực phẩm giàu kali vào chế độ ăn nhưng với lượng vừa phải.

leftcenterrightdel
Người bị teo thận nên hạn chế tiêu thụ những món ăn nhiều muối (Ảnh: ST) 

6. Cách ngăn ngừa teo thận

Không thể ngăn ngừa hoàn toàn được tình trạng teo thận nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bằng một số biện pháp:

- Ngăn ngừa những tình trạng có thể gây tổn hại cho thận, chẳng hạn như huyết áp cao và tiểu đường.

- Chế độ ăn uống của bạn nên giàu: trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo.

- Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn hoặc chiên, muối, đường, rượu bia

- Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút trong hầu hết các ngày.

- Duy trì cân nặng khỏe mạnh

- Cố gắng ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm.

- Không hút các sản phẩm thuốc lá.

- Uống thuốc theo quy định.

- Theo dõi mức cholesterol của bạn.

- Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) càng nhanh càng tốt.

Vân Anh/Nguồn: Healthline, Kidney