Ảnh: Shuttestock

1. Ăn nhiều đồ ngọt

Quá nhiều đường không chỉ xấu cho răng, mà còn có thể gây hại cho gan. Gan thường sử dụng đường fructose để tạo ra chất béo. Quá nhiều đường gây ra sự tích tụ chất béo có thể dẫn đến bệnh gan. Một số nghiên cứu cho thấy đường có thể gây hại cho gan như rượu, ngay cả khi không bị thừa cân, theo Web MD.

2. Uống thảo dược bổ sung

Ngay cả thảo dược có nguồn gốc tự nhiên vẫn không nên tự mua uống. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy một loại thảo mộc trị các triệu chứng mãn kinh, có thể cản trở hoạt động điều hòa của gan, dẫn đến viêm gan và suy gan.

Nên luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược nào.

3. Uống quá nhiều vitamin A bổ sung

Cơ thể cần vitamin A, và tốt nhất là hấp thu từ thực vật như trái cây và rau quả tươi, đặc biệt là những loại có màu đỏ, cam và vàng. Nhưng nếu uống bổ sung vitamin A liều cao, có thể hại gan. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống thêm vitamin A, theo Web MD.

4. Lạm dụng thuốc giảm đau chứa Acetaminophen

Bạn bị đau lưng, đau đầu hoặc cảm lạnh và dùng thuốc giảm đau, hãy đảm bảo uống đúng liều lượng! Nếu bạn vô tình uống quá nhiều thuốc chứa acetaminophen, như một viên thuốc trị đau đầu và một thứ khác trị cảm lạnh, và cả hai đều chứa acetaminophen, thì có thể gây hại cho gan. Phải kiểm tra liều lượng và nhớ đừng bao giờ lạm dụng thuốc giảm đau.

5. Uống nhiều bia hoặc rượu nhẹ

Ai cũng biết rằng uống nhiều rượu nặng có hại cho gan.

Nhưng ít người biết rằng, ngay cả khi không uống rượu nặng, bạn vẫn vô tình hấp thụ nhiều cồn mà không hay biết. Có những loại rượu dễ uống đến độ bạn uống nhiều mà không hay biết, như rượu vang hoặc bia. Nhiều ly rượu vang hay bia có thể chứa tổng hàm lượng cồn cao hơn nhiều so với một ly rượu nặng, theo Web MD.

Vì vậy, nên uống ở mức vừa phải cho dù là rượu nhẹ hoặc bia.

6. Uống nhiều nước ngọt

Nghiên cứu cho thấy những người uống nhiều nước ngọt có nhiều nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

7. Ăn nhiều chất béo chuyển hóa

Chất béo chuyển hóa - thường được in trên nhãn bao bì là “chất béo hydro hóa một phần” - là chất béo nhân tạo, có trong các thực phẩm đóng gói và đồ nướng.

Chế độ ăn nhiều chất béo chuyển hóa dễ khiến tăng cân và từ đó gây bệnh gan nhiễm mỡ. Hãy kiểm tra kỹ thành phần in trên nhãn, theo Web MD.

8. Thừa cân

Chất béo dư thừa có thể tích tụ trong các tế bào gan và dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ, gây ra tình trạng gan to. Theo thời gian, có thể dẫn đến cứng và xơ gan. Người bị thừa cân hoặc béo phì, ở lứa tuổi trung niên hoặc mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ cao hơn nên cần thường xuyên kiểm tra.

9. Thiếu ngủ

Thật ngạc nhiên là thiếu ngủ cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tế bào trong cơ thể. Nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ có thể gây căng thẳng ô xy hóa lên gan, làm hại gan, theo Web MD.

10. Khói thải

Xe cộ và khói thải từ dầu diesel cũng chứa rất nhiều chất độc hại làm tổn thương gan, như chì, lưu huỳnh, khí NO, acetaldehyde, cadmium và peroxyacetyl nitrate. Tránh hít phải các loại khí thải độc hại để giảm thiểu tác hại lên gan. Dấu hiệu thường thấy của việc hít nhiều khói thải độc hại là mệt, đau đầu, chóng mặt, nôn.

11. Vô tình bị lây nhiễm

Viêm gan C có thể lây truyền qua việc truyền máu và đường tình dục - dù chỉ 1 lần, hoặc mẹ truyền sang con, theo Web MD.

Theo thanhnien