Những loại vắc xin nào phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ?
Cập nhật lúc 10:23, Thứ bảy, 30/07/2022 (GMT+7)
Hiện có 3 loại vắc xin trong các nghiên cứu về hiệu quả trên bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên qua đánh giá nguy cơ, lợi ích, nguồn cung, hiện WHO không khuyến cáo tiêm đại trà.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, bệnh đậu mùa ở người (smallpox) đã chấm dứt trên thế giới từ năm 1979 nên không còn lưu hành vắc xin phòng bệnh đậu mùa cổ điển trước đây từ năm 1980. Người đã từng tiêm vắc xin đậu mùa trước đây có thể được bảo vệ phần nào với bệnh đậu mùa khỉ (bảo vệ chéo) tuy không 100% hiệu quả bảo vệ.
Vắc xin bệnh đậu mùa đã được chứng minh qua một số nghiên cứu trước đây tại châu Phi là có hiệu quả khoảng 85% trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Do đó, việc tiêm phòng đậu mùa trước đó có thể khiến bệnh nhẹ hơn.
"Vắc xin phòng bệnh thủy đậu (chickenpox) đang lưu hành tại Việt Nam không có giá trị để phòng bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox)", bác sĩ Hiền Minh chia sẻ.
Hiện nay có 3 loại vắc xin trong các nghiên cứu đánh giá hiệu quả trên bệnh đậu mùa khỉ gồm: ACAM2000 (Pháp-Mỹ), LC16 (Nhật Bản) và MVA-BN (Đan Mạch).
|
Hình ảnh minh họa lọ vắc xin chủng ngừa đậu mùa khỉ được chụp vào ngày 25.5.2022
|
ACAM2000 và LC16 đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa ở khỉ trên các mô hình động vật và có tạo miễn dịch trong các nghiên cứu trên người. Trừ MVA-BN đã được phê duyệt tại Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu năm 2019, đến nay ACAM2000, LC16 vẫn chưa có giấy phép cho việc phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Về tính an toàn, hiện không có mối lo ngại nào được ghi nhận với vắc xin ACAM2000, LC16 hoặc MVA-BN.
Việc tiêm vắc xin đậu mùa khỉ hàng loạt vẫn chưa được WHO khuyến cáo.
Theo Thanh niên