Bọt biển cũ
Chuyên trang Eating Well dẫn kết quả một nghiên cứu được công bố hồi năm 2017 trên tập san Nature cho biết bọt biển đã sử dụng thường chứa một lượng lớn vi khuẩn moraxella osloensis. Mặc dù khó gây tử vong nhưng vi khuẩn này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho những người có hệ miễn dịch yếu.
Do đó, bạn nên thay bọt biển thường xuyên (từ 1-2 tuần/lần) hoặc phải bỏ ngay nếu chúng có mùi khó chịu.
Thớt cũ
Các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng mọi người nên cẩn thận khi dùng thớt, bởi chúng là bề mặt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày. Cách tốt nhất là nên dùng riêng thớt cắt thịt, hải sản sống và thớt cắt rau, quả, đồ ăn liền… để tránh lây nhiễm chéo.
Ngoài ra, điều quan trọng là cần phải thay mới nếu thớt cũ bị mòn, có nhiều đường cắt sâu trên bề mặt. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), các rãnh cắt trên thớt rất khó làm sạch hoàn toàn và có thể trở thành nơi tích tụ, sinh sôi của vi khuẩn và khiến bạn bị bệnh.
Gia vị cũ
Cũng theo USDA, thông thường các loại gia vị trong nhà bếp có hạn sử dụng tương đối dài. Cụ thể, gia vị nguyên hạt có hạn sử dụng từ 2-4 năm, trong khi các loại gia vị xay có thể dùng trong 2-3 năm khi bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Như nhiều thực phẩm khác, bạn cần phải kiểm tra và loại bỏ các hũ gia vị đã qua thời gian sử dụng an toàn.
Ngoài ra, dù chưa hết hạn sử dụng nhưng nhiều loại gia vị có mùi nồng sẽ thường bị giảm chất lượng và hương thơm theo thời gian. Do đó, bạn nên mua và trữ gia vị với số lượng nhỏ. Nếu có dấu hiệu mất mùi, hương vị không còn như ban đầu thì nên thay mới, để tránh ảnh hưởng hương vị món ăn cũng như sức khỏe.
Thực phẩm cũ trong tủ đông
Thực phẩm trữ lâu trong tủ đông sẽ bị giảm chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng theo thời gian. Do đó, bạn nên kiểm tra tủ đông thường xuyên và loại bỏ các thực phẩm đã trữ quá lâu để giải phóng không gian cho tủ, cũng như tránh các rủi ro cho sức khỏe.
Theo Thanh niên