Viêm phế quản được chia 2 loại là viêm phế quản cấp và viêm phế quản mạn, trong đó viêm phế quản cấp thường là do virus gây nên. Viêm phế quản cấp là bệnh gây ra viêm niêm mạc của phế quản. Một số loại virus gây viêm phế quản cấp thường gặp là: virus cúm A, cúm B, virus hợp bào hô hấp, rhinovirus, parainfluenza, metapneumovirus…

Triệu chứng viêm phế quản cấp

Biểu hiện của viêm phế quản cấp khá dễ nhận biết, các bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng và thăm khám lâm sàng để xác định tình trạng bệnh.

Một số biểu hiện thường gặp của viêm phế quản cấp bao gồm:

  • Ho: đây là biểu hiện thường gặp nhất ở người mắc viêm phế quản cấp. Người bệnh có thể ho khan hoặc ho có đờm.
  • Sốt: có thể sốt cao hoặc sốt nhẹ.
  • Một số trường hợp nặng có thể gây ra khó thở bởi viêm phế quản cấp gây co thắt dẫn tới khó thở.

Viêm phế quản cấp cũng có những triệu chứng thông thường như các bệnh lý đường hô hấp khác do virus và có thể khỏi trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên nếu điều trị không đúng cách hoặc một số trường hợp nặng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp hoặc các biến chứng mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Ở những người suy giảm sức đề kháng, viêm phế quản cấp cũng có thể để lại biến chứng nặng nề.

Người bệnh cần lưu ý một số dấu hiệu nguy hiểm ở viêm phế quản cấp như:

- Sốt cao ở trẻ em nhỏ (38 – 38.5 độ C) kéo dài trong khoảng 2-3 ngày sử dụng các biện pháp điều trị thông thường không có dấu hiệu đỡ.

- Ho kéo dài trên 7 ngày, ho ra máu

- Đau ngực, khó thở

Đặc biệt cần lưu ý ở những đối tượng như người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính, người suy giảm sức đề kháng. Do vậy người bệnh cần hết sức chú ý khi có các biểu hiện sốt cao, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.

Những triệu chứng viêm phế quản cấp cần lưu ý- Ảnh 1.
 

Để tránh biến chứng của viêm phế quản cấp ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, người bệnh cần đi khám và điều trị ngay khi mới có triệu chứng bệnh

Phòng ngừa viêm phế quản cấp

Viêm phế quản cấp có thể lây lan qua đường không khí thông qua giọt bắn của người bệnh khi ho, hắt hơi… sau đó người lành hít phải và nhiễm bệnh. Đặc biệt, thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi để virus phát triển và gây bệnh. Để phòng ngừa viêm phế quản cấp, mọi người có thể chủ động thực hiện các biện pháp sau:

  • Vệ sinh nơi ở, tránh bụi bẩn, nấm mốc
  • Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên
  • Hạn chế tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm. Nếu có tiếp xúc cần đeo khẩu trang và vệ sinh tay chân sau khi tiếp xúc.
  • Nâng cao thể trạng thông qua chế độ ăn, dinh dưỡng và tập luyện. Có thể sử dụng thêm các loại vitamin, vi chất để tăng cường sức đề kháng qua sự tư vấn của bác sĩ.
  • Khi ra ngoài vào mùa lạnh cần giữ ấm cơ thể, tránh để cơ thể bị lạnh
  • Với các đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh hoặc người suy giảm miễn dịch có thể tiêm phòng các loại vaccine cúm, phế cầu…

Theo suckhoedoisong.vn