Không phải đứa trẻ nào ở nhà với cha mẹ ông bà cũng an toàn. Ảnh minh họa
Những "gương mặt cách ly"
Không chỉ vấn đề dinh dưỡng, trong dịch bệnh, những thành trì có thể bảo vệ trẻ em, vốn là những chính sách xã hội an toàn, hiệu quả, lắm khi sẽ trở nên yếu ớt. Giữa giai đoạn bùng nổ đại dịch, chỉ trong 2-3 tháng, nhiều nghiên cứu tại các quốc gia Singapore, Philippines, Ấn Độ, Mỹ đã ghi nhận sự gia tăng của tình trạng ly hôn và tỷ lệ bạo lực gia đình, đặc biệt là các ca bạo hành nhắm đến đối tượng trẻ em.
Tại Singapore, số ca bạo lực gia đình tăng đến 22% chỉ trong hai tháng cách ly xã hội. Nghiên cứu chỉ ra chính sự suy kiệt của nền kinh tế và bầu không khí bất an, u ám của dịch bệnh đã tác động nặng nề lên sức khỏe tinh thần của người dân. Những đối tượng đang trải qua trạng thái căng thẳng, lo lắng, ngột ngạt này có thể sẽ rơi vào xu hướng lạm dụng hoặc trút giận lên những thành viên yếu đuối hơn trong gia đình, đặc biệt là những thành viên không có khả năng kháng cự như trẻ em.
Hơn nữa, việc “đóng cửa” xã hội, cách ly toàn dân biến mỗi gia đình thành một ốc đảo khép kín, biệt lập trong thời gian dài. Những đứa trẻ sinh trưởng trong gia đình có tiền sử bạo hành, hoặc những người đang trong một mối quan hệ hôn nhân bạo lực sẽ càng bị nhốt chặt, không chỉ về tâm lý, mà còn về vật lý, trong không gian của sự bạo hành, một cách bắt buộc, không lựa chọn, không lối thoát.
Nói cách khác, cảm giác bị “cầm tù” trong không gian của chấn thương tâm lý và nỗi đau bạo hành sẽ càng được viền đậm trong sự bất khả kháng, sự tất yếu của trạng thái cách ly xã hội. Cảm giác này về lâu dài có thể ảnh hưởng trầm trọng lên khả năng chống cự, sự hy vọng và sức đề kháng tinh thần của nạn nhân bị bạo hành.
Thêm vào đó, các chính sách cách ly xã hội có nguy cơ cô lập những ổ bạo hành khỏi sự can thiệp kịp thời của các nhân viên hoạt động xã hội, các tổ chức hỗ trợ cộng đồng. Nhiều địa điểm lưu trú tạm thời cho nạn nhân bạo hành phải giải tán theo quy định giãn cách. Các cuộc thăm viếng, kiểm tra và điều tra về các gia đình có tiền sử bạo hành càng trở nên khó thực hiện hơn vì mọi hành vi gặp gỡ, tương tác đều gần như bị "cấm vận".
Thậm chí, nghiên cứu còn cho thấy, các phiên tòa xử những ca bạo lực gia đình, vốn phải chuyển đổi thành hình thức online, đã tạo ra rào cản lớn cho các thẩm phán trong việc minh định thực trạng bạo hành, hoàn cảnh nạn nhân và khả năng tìm ra phương pháp xử lý phù hợp, nhân đạo.
Đừng "cách ly" trẻ em
COVID-19 không chỉ là một dịch bệnh, một vấn nạn y tế, nó còn đặt ra những thách thức lớn cho chính quyền, các hệ thống luật, các chính sách xã hội, các tổ chức bảo vệ con người và các nhóm nhân quyền để tái cấu trúc lại phương thức tiếp cận và xử lý vấn đề liên quan đến những đối tượng yếm thế, nhạy cảm - vốn là nhóm xã hội hoàn toàn không có khả năng kháng cự và tự bảo vệ.
Về ngắn hạn, nhiều chính sách ưu tiên cần được kích hoạt để đưa ra các phương án xử lý linh hoạt, kịp thời mỗi khi có ca bạo hành được báo cáo. Chẳng hạn, tại Singapore, dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí qua điện thoại, mạng xã hội đã được đẩy mạnh trong mùa dịch, và chính phủ luôn nỗ lực đảm bảo những dịch vụ này phủ sóng rộng rãi trong ý thức cộng đồng.
Cách ly xã hội khiến nhiều trẻ trở thành nạn nhân của bạo hành, bị bỏ đói hoặc ăn các bữa ăn thiếu dinh dưỡng. Ảnh minh họa
Ngoài ra, các cơ sở hỗ trợ trẻ em và gia đình vẫn được phép duy trì hoạt động, và càng được khuyến khích hoạt động trong giai đoạn cách ly xã hội. Chính phủ Singapore đã đưa các loại dịch vụ này vào dạng “cực kỳ thiết yếu”, ngang ngửa với các dịch vụ y tế phòng, chống COVID-19. Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi các quốc gia nhanh chóng có phương án bình ổn giá, đảm bảo nguồn lương thực và phương án hỗ trợ thực phẩm đến nhóm trẻ em suy dinh dưỡng, những người già neo đơn, những gia đình có thu nhập thấp đang phải chống chọi với sự càn quét của một nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng trong mùa dịch.
Mặt khác, về lâu dài, COVID-19, với những thử thách và sự thật về một nền kinh tế mong manh, về bất công xã hội, khoảng cách giàu nghèo, sự bất ổn trên mọi bình diện của nhiều tầng lớp xã hội - chính là cơ hội cho việc cải tổ chính sách và hệ thống hỗ trợ xã hội.
Qua đó, ta không chỉ cố gắng “cứu vớt” nạn nhân khi thuận tiện, khi khả dĩ, mà còn có thể chạm đến gốc rễ của vấn đề bằng việc tiến hành những biện pháp giáo dục, phòng ngừa, hỗ trợ để góp phần tạo nên sự ổn định lành mạnh về lương thực, sự công bằng về cơ hội tài chính, kinh tế, và ý thức của mỗi cá nhân trong gia đình, về sức khỏe tinh thần và các vấn nạn bạo hành, lạm dụng.
Theo phunuonline