Trò chuyện với người thân đã khuất

Hãy tưởng tượng, một ngày nọ, điện thoại của bạn rung lên với thông báo có tin nhắn do người thân đã khuất gửi đến. Đó là tin nhắn do công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) soạn ra dựa trên những thông tin mà chúng thu thập được từ các bài đăng trên mạng xã hội, email, tin nhắn văn bản và ghi âm giọng nói của người đã khuất. Việc trò chuyện với phiên bản ảo của người thân yêu như ý tưởng của một bộ phim khoa học viễn tưởng đang trở nên gần hơn với thực tế.

leftcenterrightdel
 Công nghệ thực tế ảo (VR) và AI có thể giúp lưu giữ ký ức sống động về người đã khuất - Nguồn ảnh minh họa: Shutterstock/The Conversation

Hiện nay, số doanh nghiệp trong ngành kỹ thuật số “thế giới bên kia” đang tăng lên. Công ty HereAfter (Mỹ) cho phép người dùng ghi lại những câu chuyện và tin nhắn trong suốt cuộc đời của họ, sau đó những người thân của họ có thể truy cập chúng. Công ty MyWishes (Anh) cung cấp khả năng gửi những tin nhắn được lên lịch sẵn sau khi khách hàng qua đời, giúp duy trì sự hiện diện của họ trong cuộc sống của người thân. Công ty Hanson Robotics (Hồng Kông, Trung Quốc) tạo ra những robot bán thân có thể tương tác với mọi người bằng cách sử dụng ký ức và đặc điểm tính cách của người đã khuất. Trang web Project December hỗ trợ người dùng trò chuyện bằng văn bản với những người đã qua đời.

Công nghệ AI sáng tạo và học máy đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp “kiếp sau kỹ thuật số”, cho phép tạo ra các nhân vật có tính tương tác cao. Đầu năm 2024, kênh CNN tiết lộ, một phụ nữ bang Illinois, Mỹ đã sử dụng công cụ AI của ứng dụng Snapchat để xin lời khuyên nấu ăn từ người chồng đã khuất. Tính chân thực ngày càng cao của công nghệ thực tế ảo có thể làm mờ đi ranh giới giữa thực tế và mô phỏng. Điều này có thể nâng cao trải nghiệm của người dùng nhưng cũng có thể gây ra đau khổ về cảm xúc và tâm lý.

Gánh nặng cảm xúc khó buông bỏ

Công nghệ kỹ thuật số “bên kia thế giới” có thể an ủi người ở lại bằng sự kết nối với người đã khuất qua giọng nói, hình ảnh. Đối với một số người, đó có thể là công cụ trị liệu, giúp lưu giữ những kỷ niệm tích cực và cảm xúc gần gũi với những người thân yêu ngay cả khi họ đã qua đời. Nhưng đối với những người khác, tác động về mặt cảm xúc có thể cực kỳ tiêu cực, khiến nỗi đau trầm trọng hơn.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) cho biết: “Việc AI cho phép người dùng trò chuyện bằng văn bản và giọng nói với những người thân yêu đã mất có nguy cơ gây tổn hại tâm lý, thậm chí là ám ảnh những người ở lại nếu không có thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn an toàn”. Người ở lại cũng có thể cảm thấy bất lực trước những tin nhắn không ngừng được gửi đến nếu người thân đã qua đời của họ ký hợp đồng dài hạn với dịch vụ kỹ thuật số.

Để có thể giải quyết những lo ngại xung quanh ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này, các quốc gia cần cập nhật khung pháp lý phù hợp. Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu công nhận quyền riêng tư sau khi một ai đó qua đời, nhưng quy định này phải đối mặt với những thách thức trong việc thực thi. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị nên giới hạn độ tuổi của những người sử dụng công cụ AI mô phỏng người đã khuất. Đồng thời cần tăng tính minh bạch để đảm bảo người dùng luôn nhận thức được rằng họ đang tương tác với AI. Việc thực hiện các quy định chu đáo và tuân theo quy chuẩn đạo đức có thể giúp người sống nguôi ngoai và tôn vinh người đã khuất.

Theo Thanh niên